Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (trái) chia sẻ kinh nghiệp chống doanh nghiệp FDI chuyển giá thì phải có "võ" - Ảnh: Nhật Bắc
Sáng nay 26-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - đã làm việc tại Bộ Tài chính.
Nội dung của Tổ công tác của Thủ tướng về việc kiểm tra, rà soát cho thấy có 5 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính được giao nhưng chưa hoàn thành, trong đó có việc soạn thảo, xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế đã quá hạn gần 2 tháng (thời hạn xử lý vào 30-6).
Giải trình về nguyên nhân chậm trễ, đại diện Bộ Tài chính cho biết theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng nghị định cần đánh giá, tổng kết, thành lập ban soạn thảo, xây dựng dự thảo và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Bộ Tài chính đã có công văn gửi 9 bộ và 5 UBND các địa phương liên quan tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết, dễ xảy ra chuyển giá, song tới nay vẫn còn Bộ Khoa học và Công nghệ và TP Đà Nẵng chưa cử người tham gia ban soạn thảo.
Dự kiến, ngay trong hôm nay (26-8), Bộ Tài chính sẽ trao đổi và yêu cầu các cơ quan cử người tham gia soạn thảo nghị định này, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo trước thời hạn đã được điều chỉnh là vào tháng 11-2016.
Một cán bộ VPCP cho rằng chống chuyển giá, trốn thuế là vấn đề rất phức tạp, đặc biệt là chuyển giá. Các quy định pháp luật từ trước đến nay trong lĩnh vực này đều là không hiệu quả. “Ở Mỹ, các luật sư để xác định một trường hợp chuyển giá phải nghiên cứu, theo dõi tới 7 năm. Trong khi, để xây dựng, soạn thảo nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, thời gian giao cho Bộ Tài chính là rất ngắn nên cũng cần thận trọng và rà soát kỹ. Phải cố gắng làm cho kịp thời hạn, nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn, quan trọng”- đại diện VPCP chia sẻ.
Đánh giá việc chống chuyển giá là rất nan giải, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng chia sẻ: “Nếu làm được tốt thì Mỹ cũng phải sang học vì ở Mỹ cũng có tình trạng này”.
Ông Mai Tiến Dũng phân tích những DN có chủ trương xấu họ làm cực kỳ kín kẽ, không sơ hở nên xác định rất khó, từ việc xác định giá nước ngoài như thế nào… “Không hề đơn giản. Ngay cả DN trong nước cũng khó kiểm soát thì DN nước ngoài còn khó khăn gấp bội. Thất thoát thuế là vấn đề cần quan tâm, là một vấn đề lớn. Phải có biện pháp xử lý mạnh về cái này để chống thất thu. Thống nhất với Bộ Tài chính là tháng 11 có dự thảo nghị định chống chuyển giá” - ông Dũng nói.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết quyết tâm đến tháng 11-2016 sẽ hoàn tất dự thảo nghị định đầu tiên về chống chuyển giá
Tán đồng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu việc kêu thuế giảm lỗ, giảm khấu trừ hàng chục ngàn tỉ đồng chính là chuyển giá. Nhưng để chứng minh là chuyển giá không hề đơn giản. Thậm chí không cần đến lúc sản xuất mới chuyển giá mà từ ngay khâu đầu tư từ thiết bị đưa vào cao thấp. Như đầu tư giá có 100 tỉ đồng thì khai 200 tỉ đồng rồi hạch toán khấu hao hết 200 tỉ đồng thì đó là chuyển giá.
“Rồi đến khi vào sản xuất thì đầu vào nguyên liệu được nâng giá lên, đầu ra hạ giá xuống, mua vào đắt, bán ra rẻ cũng là chuyển giá, giữa công ty mẹ - công ty con”- ông Dũng diễn giải.
Trên cơ sở đó, việc xây dựng nghị định là cần thiết nhưng không đơn giản vì liên quan nhiều công đoạn trong 1 quy trình, từ cấp phép đầu tư đến ngành đầu tư, dự án nhà máy trong quá trình sản xuất kinh doanh cần được giám sát xuyên suốt. “Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Tài chính xin nhận nhưng không đơn giản, đến 30-11 có thể xây dựng nghị định mang tính nguyên tắc chứ quá trình điều hành rất phức tạp” - ông Dũng cho hay.
Minh chứng cho việc "đấu" với chuyển giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn ra một DN FDI khi chuyển chủ sở hữu bị truy thu lại cả nghìn tỉ đồng thuế nhưng rất chây ì, thậm chí là có thủ đoạn đối phó và Bộ phải đấu tranh hết sức cam go và dùng mưu mẹo, có "võ" để đạt được kết quả.
Cũng vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện nay, chống chuyển giá được áp dụng theo Thông tư 66 và việc đưa Thông tư 66 lên thành nghị định là một yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, Thông tư 66 đang thực hiện có điểm tích cực. Vừa rồi, Việt Nam bước đầu tham gia diễn đàn chống chuyển giá chống xói mòn thuế của G20, đây cũng là căn cứ pháp lý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thống nhất để chống chuyển giá khó thì phải có "võ" - Ảnh: Nhật Bắc
“Hiện Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng bộ quy chuẩn cho 12.000 DN FDI. Đối với nhóm bán linh kiện như Intel, Samsung thì Tổng cục Thuế phải thỏa thuận giá trước trong hợp đồng. Trong cái này có cái khó là đầu vào, hiện nay có nhập vào từ nhóm các nước G7. Nhưng vừa rồi Formosa nhập từ G7 ít quá mà nhập từ Trung Quốc không bao giờ bên kia xác định cho hằng số. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần tham gia phối hợp soạn thảo để hiệu quả”- ông Tuấn nói.
Để “võ” chống chuyển giá sớm ra đời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng không thể cầu toàn mà làm từng bước.
Gợi ý thêm về “võ” chống chuyển giá, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng kể lại kinh nghiệm đấu với một DN FDI ở Hà Nam khi ông còn là Bí thư tỉnh này. Theo đó, DN FDI báo lỗ cả 100 tỉ đồng và việc kiểm soát “lỗ thật, lỗ giả” là rất khó. “Tôi yêu cầu ông giám đốc hãng này ở công ty mẹ sang nói rắn luôn là người dân đang gửi đơn khiếu nại lên tỉnh việc công ty sử dụng đất của họ rồi hứa sử dụng rất nhiều lao động nhưng nay dân thất vọng, đề nghị tôi thu hồi đất trả đất cho người ta trồng ngô khoai sắn nuôi gia đình. Với chiêu này, phía DN FDI phải nhượng bộ”- ông Dũng "bật mí".
Nguồn tin: NLĐ Online