Hồ sơ của Philippines với nội dung tuyên bố cốt lõi là yêu sách “đường lưỡi bò” không phù hợp luật pháp quốc tế như đã được quy định tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, không chỉ ra quyền lợi hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông theo quy định về giới hạn trong vùng lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
Tòa án Trọng tài sẽ phải cung cấp cho Trung Quốc bản sao hồ sơ pháp lý của Philippines và đề nghị bình luận.
Trả lời báo Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (chuyên gia về các vấn đề chính trị, an ninh châu Á-Thái Bình Dương đang công tác tại Học viện Quốc phòng Úc) cho biết: “Trung Quốc có 30 ngày để hồi đáp, nhưng rất có khả năng nước này sẽ từ chối bất kỳ sự tiếp cận nào từ phía Tòa án”.
Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan |
Theo GS Thayer, một số luật sư quốc tế nói rằng, Tòa án Trọng tài sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình tương đối sớm, trong vòng 2 năm, vì Trung Quốc không ganh đua với Philippines. Một số luật sư quốc tế khác cho rằng, Tòa án sẽ không đưa ra quyết định thực sự trọng đại vì sự phân nhánh chính trị...
“Mỹ và Philippines chuẩn bị hoàn tất đàm phán về tăng cường hợp tác quốc phòng, cho phép đẩy mạnh luân phiên lực lượng vũ trang Mỹ thông qua các căn cứ quân sự của Philippines... Mỹ sẽ hành động nếu Trung Quốc cố gắng cản trở tự do hàng hải, tự do hàng không và các hoạt động thương mại hợp pháp”, GS Thayer cho biết.
Về phía Trung Quốc, quốc gia này từng từ chối ra tòa án quốc tế và cho rằng hành động kiện tụng của Philippines là “thiếu chuyên nghiệp và nhảm nhí”. Đồng thời, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila ngày càng lao dốc khi Manila kiên quyết theo đuổi vụ kiện Trung Quốc đến cùng.
Mỹ ủng hộ Philippines kiện "đường lưỡi bò"
Ngày 29/1 vừa qua, phái đoàn nghị sỹ Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Phippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc.
Cụ thể, nghị sỹ Edward Royce, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết, Washington không bênh bên nào trong cuộc tranh chấp biển đảo trong khu vực, nhưng Hoa Kỳ ủng hộ một giải pháp ngoại giao được quốc tế công nhận. Theo ông, “tốt nhất là Trung Quốc nên tham gia vào tiến trình (tranh tụng) để chúng ta có thể tiến bước trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc |
Trước đó, Đô đốc Samuel Locklear - người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và Daniel Russel - Thứ trưởng Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, đều lên tiếng ủng hộ hành động của Philippines trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp pháp, hòa bình.
Trước những diễn biến đang khiến vụ kiện chống Trung Quốc ở biển Đông “nóng” lên, giới phân tích nhận định, bất kỳ phán quyết cuối cùng nào của tòa án về vụ tranh chấp, một trong những điểm nóng căng thẳng nhất ở châu Á hiện nay, khó có thể được thực hiện, nhưng sẽ có ảnh hưởng chính trị và đạo đức rất lớn.
"Nếu nhiều nước, bao gồm cả các quốc gia thành viên ASEAN, lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp, Bắc Kinh có thể kết luận rằng, coi thường phán quyết của tòa án là quá tai hại, ngay cả khi đường 'lưỡi bò' của Trung Quốc ở khu vực biển Đông được phát hiện là bất hợp pháp", chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Mỹ cho hay.
Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn tin: baodatviet