Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Chinhphu.vn
Kết quả này được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu của 6 thành viên ITC với 4 phiếu chống của các ủy viên và 2 phiếu thuận của vị chủ tịch ủy ban là Irving A. Williamson và một ủy viên khác Shara L. Aranoff.
Thông báo của ITC nêu rõ ngành công nghiệp Mỹ không bị thiệt hại về vật chất và cũng không bị đe dọa từ các sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, và Malaysia như kết luận của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trước đây. Điều này đồng nghĩa với tôm đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam và các nước nói trên vào Mỹ sẽ không bị áp thuế chống trợ cấp.
Trước đó, ngày 12-8, DOC ra quyết định cuối cùng về thuế chống trợ cấp đối tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, và Malaysia. Trong đó, hai doanh nghiệp của Việt Nam là Công ty Thủy sản Minh Quí (Minh Qui Seafoods) bị áp mức thuế 7,88%, Công ty Thủy sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct) chịu mức thuế 1,15%. Các doanh nghiệp còn lại của Việt Nam chịu cùng mức thuế là 4,52%.
Ngay sau đó, Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng phản đối quyết định trên của DOC và cho rằng đó là sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam. Đồng thời VASEP cũng đề nghị ITC xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.
Ngoài việc không bị đánh thuế chống trợ cấp, ngày 10-9 vừa qua, DOC cũng đã công nhận toàn bộ 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 (POR7) đều không bán phá giá tôm trên trên thị trường Mỹ, nên đều được xem xét áp dụng mức thuế 0%.
V.Vũ