Xin bà cho biết những nội dung chính và ý nghĩa của hội nghị các Trưởng đại diện nhóm các tổ chức phát triển LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hội nghị quản lý của UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần này. Đánh giá của UNDP về quan hệ hợp tác với Việt Nam?
Bà Helen Clark: Đây là cuộc họp rất quan trọng, là cơ hội để cho đại diện của UNDP toàn khu vực châu Á, từ những nước ở cực Tây châu Á như Iran đến tận cực Đông, như quần đảo Fiji đến đây để thảo luận về chiến lược phát triển của khu vực và sau đó là hội nghị Giám đốc quốc gia của UNDP tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi rất vui vì có cơ hội thảo luận vấn đề này tại Việt Nam, vì Việt Nam đã là nước đi đầu trong việc đổi mới phương thức hoạt động trong các chương trình của LHQ và đã thành công, là cơ hội để cho mọi người tận mắt thấy những gì đang thay đổi ở đây.
UNDP đã có mặt tại Việt Nam từ 35 năm trước và chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi, phát triển đáng kinh ngạc của Việt Nam. Nếu nhìn vào những mục tiêu thiên niên kỷ mà LHQ đặt ra thì Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhất là trong xóa đói giảm nghèo, các thành tựu về y tế, bình đẳng giới, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách; các thành tựu về giáo dục… rất nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được mà chúng tôi có thể đề cập và thảo luận ngay tại Việt Nam.
Thời chiến tranh, Việt Nam là một đất nước nghèo khó, nhưng nay đã trở thành nước đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, đó là cả một quá trình với nhiều câu chuyện thành công, nhưng chuyển sang một giai đoạn mới, một bước phát triển mới, yêu cầu phải có sự chuyển đổi mô hình và cần nhiều yêu cầu mới, đó là điều cũng sẽ được chúng tôi thảo luận.
Được biết bà đã có dịp đến thăm và làm việc tại Việt Nam trên cương vị Thủ tướng New Zealand cũng như Tổng Giám đốc UNDP. Xin bà cho biết một số đánh giá về chính sách đối ngoại và thành tựu của Việt Nam trong hợp tác phát triển quốc tế và xóa đói giảm nghèo trong những năm qua?.
Bà Helen Clark: Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1998, đã có rất nhiều thay đổi kể từ đó đến nay. Tôi bắt đầu quan tâm đến Việt Nam khi đang là học sinh cấp hai tại New Zealand và được nghe về chiến tranh. Mối quan tâm của tôi đến Việt Nam từ rất lâu, đọng lại trong tôi là ấn tượng về người Việt Nam rất mạnh mẽ, quyết đoán, tự tin và cần cù lao động. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực tham gia vào các hoạt động của LHQ.
Đại sứ của Việt Nam ở Mỹ và LHQ đã đóng góp rất nhiều cho hoạt động của LHQ, các chương trình phát triển của LHQ, với sự hỗ trợ hết mình, bất cứ khi nào chúng tôi cần, Việt Nam sẽ có mặt ở đó. Tôi cảm thấy trong cuộc đời tôi đã chứng kiến sự phát triển của Việt Nam, từ một đất nước gánh chịu hậu quả của chiến tranh đã trở thành một nước có mức thu nhập trung bình, một thành viên năng động trong khu vực Đông Á và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của LHQ.
Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, được cộng đồng thế giới thừa nhận, nhất là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vậy theo bà thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là gì?
Bà Helen Clark: Việt Nam đã làm tốt hơn những gì được đưa ra trong mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên vẫn còn những thách thức, trong đó có việc làm sao những thành quả của quá trình tăng trưởng, phát triển phải được phân phối cho mọi thành viên trong xã hội, nhất là những người vừa mới được thoát nghèo.
Báo cáo toàn cầu hoan nghênh thành tựu phát triển con người của Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị UNDP tổ chức một hội nghị rất quan trọng về phát triển kinh tế, qua đó giúp Việt Nam làm thế nào để bước sang giai đoạn phát triển mới, tránh được bẫy thu nhập trung bình. Vì đạt được mức thu nhập trung bình là một cố gắng, nỗ lực, nhưng cũng có nhiều nước không qua được bẫy thu nhập trung bình, vì vậy, điều cả UNDP và Chính phủ Việt Nam muốn là thông qua một hội nghị như vậy, đưa tất cả các đề xuất, ý tưởng lên bàn xem những gì phù hợp với Việt Nam, để Việt Nam phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, vì trước đây đã có nhiều mối quan tâm đến Việt Nam, nhưng bây giờ cũng cần thêm những ý tưởng mới để làm thế nào thành công trong việc bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York vào tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến những mục tiêu phát triển sau 2015, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
Bà Helen Clark: Việt Nam là một trong những quốc gia có những đóng góp rất lớn trong quá trình tranh luận về chủ đề điều gì sẽ xảy ra vào sau 2015, liên quan đến mục tiêu thiên niên kỷ. Việt Nam cũng là một trong những nước đã tham gia thảo luận về chủ đề những mục tiêu cần đạt được sau 2015 là gì, không chỉ là vấn đề Chính phủ, vấn đề phát triển khu vực tư nhân, xã hội dân sự.
Với UNDP, chúng tôi đã cùng với Việt Nam thảo luận về những mục tiêu lớn, về y tế, sức khỏe, môi trường. Chúng tôi có những khảo sát tại nhiều nước trên thế giới để xem người dân chọn những ưu tiên gì. Chúng tôi làm việc với các nước, trong đó có Việt Nam để xem đâu là những tham vọng của mỗi nước, đâu là mối lo và những mong muốn của người dân; về y tế, sức khỏe, phúc lợi xã hội…
Tại các phiên thảo luận, với sự tham gia của Thủ tướng của các bạn, chúng tôi đã thống nhất cho rằng, muốn phát triển trong giai đoạn tới, chúng ta nhất thiết phải thúc đẩy hòa bình và an ninh, bởi vì không có hòa bình và an ninh, chúng ta không thể phát triển được. Việt Nam cũng hiểu rõ điều đó. Bên cạnh đó, vai trò của luật pháp trong phát triển cần phải được tôn trọng; vai trò của bình đẳng giới và vấn đề quyền của con người. Các thành viên LHQ thảo luận về tất cả những vấn đề đó, để xem đâu là hướng đi đúng cho sự phát triển.
Theo Thái Thanh
VTV