Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 23/5 dẫn lời ông Rodrigo Duterte tuyên bố: "Chúng tôi là đồng minh của các nước phương Tây".
Điều này cho thấy, ông Rodrigo Duterte sẽ tiếp tục phương châm ngoại giao của chính quyền Benigno Aquino - coi trọng quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.
Theo bài báo, về vấn đề Biển Đông ông Rodrigo Duterte cho biết, không chỉ coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ, mà sẽ ông còn bắt tay hợp tác với Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte |
Tổng thống Philippines đắc cử Rodrigo Duterte cho hay: "Nếu trong vài năm tới không thể thay đổi hiện trạng, sẽ thúc đẩy tham vấn song phương với Trung Quốc".
Tuy nhiên ông lưu ý: "Địa điểm kiểm soát thực tế của Trung Quốc nằm ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi. Nếu như Trung Quốc xây dựng cái gì ở đó sẽ gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của chúng tôi".
Có thể thấy sau cuộc bầu cử Tổng thống, các phát biểu của ông Duterte ngày càng rõ ràng và thận trọng.
Trước đó, theo một số nhà phân tích, ông Duterte thiếu một chính sách rõ ràng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thể hiện qua những phát biểu như để ngỏ khả năng đàm phán song phương nhưng lại đòi Bắc Kinh trước tiên phải công nhận chủ quyền của Manila tại vùng biển tranh chấp, điều mà giới phân tích cho là “không tưởng”.
Ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore), từng nhận định lập trường của ông Duterte về Biển Đông là “phức tạp và mâu thuẫn”.
“Ông ấy đề nghị đàm phán đa phương với sự tham gia của Mỹ, Nhật, Úc dù biết rõ điều này sẽ bị Trung Quốc bác bỏ. Ông cũng cam kết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng, nhưng lại nói sẽ phớt lờ những động thái củng cố chủ quyền của Trung Quốc ở đó nếu Bắc Kinh chịu đầu tư vào các dự án đường sắt trên đảo Mindanao (nơi ông làm thị trưởng TP Davao trong hơn 20 năm qua). Vì thế, mọi người hoàn toàn không rõ “chính sách” của ông đối với vấn đề Biển Đông là gì”, ông Storey nhận định với báo Nikkei (Nhật).
An Nhiên (Tổng hợp)
Nguồn tin: baodatviet