Tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo “Các diễn tiến quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc 2016”, để cập nhật tình hình quân sự của Trung Quốc. Trong đó, Hạm đội Nam Hải, đóng vai trò “đầu não” khi Bắc Kinh triển khai các hoạt động quân sự trên Biển Đông, có một lực lượng khá hùng hậu với khoảng 120 tàu quân sự bao gồm tàu sân bay, tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu tên lửa, tàu hậu cần... Lực lượng tàu chiến này thường xuyên được triển khai hiện diện trên khu vực Biển Đông.
Hạm đội này còn có 2 căn cứ không quân đóng trên đảo Hải Nam, được trang bị đầy đủ cả máy bay tiêm kích và chiến đấu cơ tấn công mặt đất. Hậu thuẫn kèm theo còn có lực lượng không quân đông đảo và các đơn vị tên lửa của bộ binh đồn trú ở phía nam Trung Quốc.
Không những vậy, vào tháng 7, Bắc Kinh còn điều động 2 hạm đội Đông Hải và Bắc Hải tham gia cùng tập trận với Hạm đội Nam Hải trên Biển Đông. Khi đó, nhận định với Thanh Niên, giới chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng việc phối hợp cùng lúc 3 hạm đội được xem như một thông điệp đe dọa. Đây chính là nền tảng thế trận hải quân mà Bắc Kinh đang theo đuổi để phục vụ cho mưu đồ chủ quyền trên Biển Đông.
Mạng lưới không quân trải rộng
Về không quân, lực lượng chiến đấu cơ của Trung Quốc đồn trú gần Biển Đông nhất là các căn cứ đặt tại đảo Hải Nam và thành phố Trạm Giang. Tuy nhiên, phần lớn chiến đấu cơ Trung Quốc đang sở hữu như tiêm kích Su-30 MK2, chiến đấu cơ J-10, J-11, JH-7 hoặc máy bay ném bom H-6... có bán kính chiến đấu khoảng 1.500 - 1.800 km. Trong khi đó, khu vực phía nam Trường Sa cách Hải Nam đến khoảng 1.500 km. Cho nên, nếu muốn tác chiến ở phía nam Trường Sa, để “chắc ăn” thì các chiến đấu cơ phải được tiếp nhiên liệu trên không. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phải triển khai máy bay hộ tống cho các máy bay tiếp liệu, nên cần điều động một lực lượng quá lớn.
Chính vì vậy, Trung Quốc đã hình thành một mạng lưới không quân trên Biển Đông để giải quyết vấn đề trên. Cụ thể, từ tháng 2, nhiều hình ảnh cho thấy chiến đấu cơ J-11 và oanh tạc cơ JH-7 đã được triển khai trên đảo Phú Lâm. Trong đó, J-11 có bán kính chiến đấu khoảng 1.500 km, có thể trang bị nhiều loại bom và tên lửa, đặc biệt là tên lửa đối không. Cho nên, J-11 cất cánh từ đảo Phú Lâm có thể giúp Bắc Kinh hoạt động dễ dàng ở vùng trời trên khắp Biển Đông, thậm chí vươn đến sát Philippines, Malaysia... Thực tế, đầu tháng 5 vừa qua, các nguồn tin quân sự tiết lộ, J-11 của Trung Quốc đã “vờn” máy bay trinh sát của Mỹ ở khu vực Trường Sa.
Còn oanh tạc cơ JH-7 có một phiên bản tác chiến đa nhiệm là FBC-1 tương tự dòng Tornado (chiến đấu cơ do Anh, Đức, Ý cùng phát triển - NV) sở hữu khả năng chống tàu chiến cao. Loại máy bay này có bán kính chiến đấu hơn 1.700 km nên cũng dễ dàng bao phủ khắp Biển Đông. Chính vì thế, JH-7 có thể đóng vai trò phản ứng nhanh để hỗ trợ hải chiến.
Không chỉ xây dựng căn cứ không quân ở Hoàng Sa, Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh hạ tầng trên các thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa. Đầu tháng 8, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố hình ảnh cho thấy các nhà chứa máy bay được gia cố trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn ở Trường Sa. Kết quả phân tích chỉ ra các nhà chứa máy bay ở 3 bãi đá trên đủ sức chứa máy bay ném bom H-6, máy bay tiếp liệu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay KJ-200 chuyên trinh sát cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, cũng tại 3 bãi đá trên, hình ảnh của CSIS cho thấy Trung Quốc đã hoàn thiện hạ tầng đủ sức đồn trú hàng chục chiến đấu cơ Su-30 hoặc J-11.
Như vậy, Bắc Kinh đã gần như hoàn thiện một lực lượng không quân đầy đủ gồm chiến đấu cơ đa nhiệm, máy bay ném bom đều có bán kính chiến đấu hơn 1.500 km, máy bay trinh sát và máy bay tiếp liệu. Lực lượng này đủ sức để tiến hành các hoạt động chiến đấu tổng lực trên không và độ bao phủ thì gần như toàn bộ Biển Đông. Kết hợp với lực lượng không quân đồn trú ở Hoàng Sa, Bắc Kinh xem như đã sở hữu mạng lưới không quân trải dài từ đảo Hải Nam đến Trường Sa.
Lực lượng không quân, tên lửa Trung Quốc trên Biển ĐôngẢNH: N.M.T |
Thế trận tên lửa
Bên cạnh đó, nhiều thông tin gần đây cũng ẩn chứa nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang triển khai cả một mạng lưới tên lửa dày đặc ở các thực thể từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Cụ thể, hồi tháng 2, hình ảnh vệ tinh chứng minh hệ thống tên lửa đối không HQ-9 đã hiện diện trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Đây là loại tên lửa sở hữu tầm bắn lên đến 200 km với trần bay 27 km cùng tốc độ gấp 4 lần vận tốc âm thanh. Vì thế, HQ-9 có thể phối hợp với lực lượng không quân mà Bắc Kinh triển khai ở Hoàng Sa.
Không chỉ có tên lửa đối không, vào tháng 3, kênh truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix TV) của Hồng Kông đăng tải hình ảnh cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 đến đảo Phú Lâm. Loại tên lửa này có phiên bản đạt tầm bắn lên đến 400 km với trần bay khá thấp để tăng hiệu quả đánh hạ tàu chiến. Sự xuất hiện của YJ-62 tại Hoàng Sa không hề khó hiểu, bởi thời gian qua, Bắc Kinh đã thể hiện rõ tham vọng phối hợp tên lửa với chiến hạm để theo đuổi chiến lược chống tiếp cận. Hồi tháng 7, Giáo sư James Holmes, thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, giải thích chiến lược trên có nền tảng cơ sở là dùng tên lửa yểm trợ cho chiến hạm, kết hợp cùng chiến đấu cơ từ trên không sẽ tạo ra một hỏa lực mạnh mẽ. Ở tầm xa, Trung Quốc cũng đang dùng các tên lửa chống hạm có tầm bắn đến 1.500 km.
Ngoài ra, cũng từ các hình ảnh do CSIS công bố hồi đầu tháng 8, chụp lại hạ tầng ở đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn, thì giới chuyên gia còn thắc mắc về các cấu trúc bí ẩn tại các thực thể này. Trong số các cấu trúc bị thắc mắc, một số cụm cấu trúc mang thiết kế lục giác, mà qua phân tích thì giới chuyên gia nhận định có thể là hệ thống tên lửa đối không. Cách bố trí của những cụm cấu trúc lục giác được chuyên gia chiến lược quốc phòng Jerry Hendrix, thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), nhận định khá giống với hệ thống tên lửa đối không HHQ-9. Đây là phiên bản phóng thẳng đứng, dành cho hải quân, của loại tên lửa HQ-9 được đặt tại Phú Lâm. Nếu đúng là hệ thống tên lửa HHQ-9 thì khi kết hợp cùng lực lượng không quân hùng hậu sẽ có thể phục vụ tham vọng của Bắc Kinh trong việc kiểm soát một vùng trời rộng lớn khắp khu vực Trường Sa.
Tất cả đều dẫn đến một “công thức” quen thuộc về thế trận tác chiến không hải mà Trung Quốc đang tiến hành trên Biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung.
Lực lượng tàu chiến của Hạm đội Nam Hải 1 tàu sân bay 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công 20 tàu ngầm dùng động cơ diesel 7 tàu khu trục 21 tàu hộ tống 8 khinh hạm 3 tàu mẹ đổ bộ 11 tàu tiếp dầu 7 tàu đổ bộ tấn công 38 tàu tên lửa. |
Ngô Minh Trí