Đại sứ quán Triều Tiên tại London hôm 16-5 thông báo với chính phủ Anh rằng cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho đã được bổ nhiệm làm tân Ngoại trưởng của đất nước.
Một số nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng việc Bình Nhưỡng chỉ định ông Ri làm ngoại trưởng được xem là nỗ lực hồi sinh đường lối ngoại giao cũng như cải thiện quan hệ với thế giới bên ngoài sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa bị quốc tế chỉ trích.
Ông Ri từng là đặc phái viên hàng đầu của Triều Tiên tham gia cuộc đàm phán giải trừ quân bị 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông này cũng có mặt trong các cuộc đàm phán với Mỹ những năm 1990 và từng làm Đại sứ Triều Tiên tại London.
Ngày 17-5, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam bất ngờ đến Bắc Kinh, chỉ một tuần sau khi Đảng Lao động Triều Tiên bế mạc đại hội đảng đầu tiên trong 36 năm qua.
Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) và Yonhap (Hàn Quốc) xác nhận ông Kim Yong-nam đã đến sân bay ở Bắc Kinh vào sáng nay. Ông này ra ngoài theo cửa VIP trên chiếc xe hơi do Trung Quốc chuẩn bị trước và có các xe của Triều Tiên hộ tống. Sau đó, ông Kim tới đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh.
Theo nguồn tin ngoại giao của Yonhap, có thể ông Kim dừng chân ở Bắc Kinh trên hành trình đến một số nước châu Phi.
Năm 2011, ông Ri đã gặp đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc tại Bali - Indonesia bên lề một hội nghị an ninh khu vực. Khi đó, 2 bên đồng ý hợp tác để nối lại cuộc đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng không nhắc đến số phận cựuNgoại trưởng Ri Su-yong nhưng theo cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm 17-5, ông Ri Su-yong có thể đã lên chức phó Chủ tịch Đảng Lao động cầm quyền.
Nếu thông tin này đúng, ông Ri Su-yong sẽ thay thế Kang Sok-ju, một chuyên gia về chính sách nước ngoài đã tham gia đàm phán với Mỹ năm 1994 về kế hoạch đóng băng, cuối cùng là tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy viện trợ kinh tế.
Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc tiết lộ một mục sư của nước này có thể đã bị bắt cóc sang Triều Tiên hồi tháng 3 sau khi mất tích một cách bí ẩn. Đầu tháng 5 vừa qua, phương tiện truyền thông Hàn Quốc đưa tin một nhà truyền giáo - công dân nước này đã mất tích ngày 28-3 ở khu vực biên giới.
Nạn nhân được nhìn thấy lần cuối ở TP Hòa Long - Trung Quốc, từ đó "bị bắt cóc sang Triều Tiên". Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ người đàn ông là Kim.
Trước đó, một nhóm các nhà hoạt động có trụ sở ở Hàn Quốc cáo buộc điệp viên Triều Tiên giết chết một mục sư Trung Quốc gốc Hàn do hỗ trợ người tị nạn.
Hàn Quốc đã khuyến cáo công dân mình tránh đi du lịch tới Đông Bắc Trung Quốc - khu vực giáp Triều Tiên sau khi xảy ra một loạt vụ bắt cóc gần đây. Ngoài công dân Hàn Quốc, chính quyền Bình Nhưỡng còn nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ phạm tội "làm gián điệp và thách thức chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un".
Bình Nhưỡng đang giam cầm 2 người Mỹ về tội chống phá nhà nước Triều Tiên, khiến Bộ Ngoại giao Mỹ phải lên tiếng. Cơ quan này cuối tuần trước cảnh báo mạnh mẽ đến mọi công dân Mỹ về nguy cơ bị bắt giữ khi đến Triều Tiên.
Nguồn tin: NLĐ Online