Trông chờ quy chế một cửa

Thứ tư - 13/05/2015 22:05 808 0
Trong tháng 5-2015, nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành: Thực hiện quy chế một cửa ở cơ quan hành chính nhà nước; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; thí điểm giao dịch điện tử về thủ tục tham gia BHXH...

Một trong những chính sách được người dân chờ đợi lâu nay - Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Quyết định 09/2015 của Thủ tướng Chính phủ - sẽ có hiệu lực từ ngày 15-5. Theo đó, người dân sẽ được hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước.

Giải quyết trễ, phải xin lỗi người dân

Quy chế một cửa sẽ được thực hiện ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, xã và các cơ quan của trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương.

Người dân sau khi nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận sẽ chờ nhận kết quả trả lời tại chính bộ phận này theo thời gian được quy định. Người nộp hồ sơ nếu có yêu cầu sẽ được trả hồ sơ đã được giải quyết qua dịch vụ bưu chính. Đối với hồ sơ qua thẩm tra, xác minh chưa đủ điều kiện giải quyết, cán bộ tiếp nhận phải báo cáo cấp có thẩm quyền trả lại kèm theo thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do, nội dung cần bổ sung.

Đối với hồ sơ không giải quyết, bộ phận tiếp nhận sẽ liên hệ với người dân để trả lại kèm theo thông báo không giải quyết hồ sơ. Hồ sơ quá hạn giải quyết sẽ được thông báo thời hạn trả kết quả lần sau và chuyển văn bản xin lỗi của cơ quan, tổ chức làm quá hạn giải quyết cho người dân.

Một quy định quan trọng của quy chế này là cán bộ nhận hồ sơ phải có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác và bảo đảm chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại UBND quận Bình Thạnh, TP HCMẢnh: TẤN THẠNH

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại UBND quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Giới thiệu việc làm miễn phí

Theo Nghị định số 28/2015 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp), người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5.

Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng. Nếu khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Nghị định 28 còn quy định người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp làm việc theo hợp đồng đúng quy định khi bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm, hỗ trợ học nghề.

Thực hiện thủ tục BHXH điện tử

Quyết định 08/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5.

Thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (Tổ chức I-VAN), người sử dụng lao động tạo lập, gửi, nhận các hồ sơ BHXH điện tử trực tiếp tại cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc thông qua cổng giao dịch điện tử của Tổ chức I-VAN.

Sau khi nhận được hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử của người sử dụng lao động, Tổ chức I-VAN thực hiện việc gửi hồ sơ đến cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam, đồng thời gửi thông báo xác nhận nộp hồ sơ BHXH điện tử qua địa chỉ thư điện tử cho người sử dụng lao động trong thời hạn 2 giờ.

Phạm Hồ

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,311
  • Tháng hiện tại43,748
  • Tổng lượt truy cập41,224,349
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây