Đơn cử, vào ngày 27/3, tại xã Nam Bình (Đắk Song), Công an huyện Đắk Song đã phát hiện và thu giữ hơn 448 kg cây cần sa tươi tại khu vực rẫy cà phê, cao su của các đối tượng Phạm Ngọc Tuyến và Nguyễn Quang Sơn.
Trồng và tiêu thụ cây cần sa là vi phạm pháp luật, bị xử phạt tù rất nặng |
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, khoảng tháng 4/2013, khi lên nhà Hoàng Văn Khoa, trú tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) chơi thì nghe Khoa kể trước đây có trồng cây cần sa, rồi bị công an bắt, xử phạt hành chính. Nhưng sau khi được Khoa gợi ý lấy giống về trồng ở Đắk Song nếu cây phát triển tốt sẽ thu lợi nhuận cao nên cả hai đã đưa về trồng thử nghiệm tại khu vực rẫy nhà mình.
Trong quá trình trồng, các đối tượng đã thực hiện buôn bán nhiều lần với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Các đối tượng cũng khai nhận là mặc dù biết việc trồng, buôn bán cây cần sa là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình làm để kiếm lời.
Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội về ma túy, Công an tỉnh thì chỉ tính từ đầu năm đến nay, lực lượng công an trên toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 7 vụ người dân trồng cây cần sa, với số lượng lớn. Khi bị bắt giữ, phần lớn các đối tượng đều cho biết làm việc này là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Trong đó, một số vụ việc như tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), xã Đắk Som (Đắk Glong), các đối tượng đã trồng cây cần sa ở bìa rừng, những khu đất thuộc sự quản lý của nhà nước để tránh bị phát hiện. Rõ ràng, vì mục đích kinh tế, lợi nhuận nên một số đối tượng đã thực hiện nhiều chiêu trò như: trồng ở khu vực hẻo lánh, xen kẽ các loại cây trồng khác nhằm che mắt cơ quan chức năng.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Oánh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội về ma túy Công an tỉnh thì trong quá trình điều tra các vụ việc cho thấy, một số người dân không phải vì thiếu hiểu biết về pháp luật, chẳng qua là do hám lợi, bị một số đối tượng lạ cung cấp hạt giống, tuyên truyền sai lệch về tác dụng của cây cần sa nên đã trồng để kiếm lời, núp bóng dưới mục đích là chữa bệnh hoặc cho vật nuôi ăn...
Trong khi đó, theo quy định, việc người dân dù biết hay không biết khi trồng các loại cây có chứa chất gây nghiện này đều là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, trước khi gieo trồng một loại cây lạ nào thì chính người dân phải cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng, rồi vô tình vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, từ thực tế cũng cho thấy, hiện nay vẫn còn không ít cán bộ, người dân ở nhiều địa phương chưa nhận biết được cây cần sa nên việc phát hiện và báo cho chính quyền, cơ quan chức năng chưa được kịp thời. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì chính quyền địa phương cần thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về cây cần sa cho mọi người dân biết và có biện pháp phòng ngừa.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa, văn nghệ, phát tờ rơi về hình dạng, cách nhận biết để giúp người dân biết về cây cần sa và hậu quả của nó đối với sức khỏe con người. Qua đó, nhân dân nâng cao ý thức, không trồng, mua bán cây cần sa cũng như giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, điều tra, triệt phá loại tội phạm này.
Theo Nghị định 73/CP của Chính phủ thì hành vi trồng cây cần sa (không nhằm mua bán) thì sẽ bị phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng. Trường hợp đã bị xử lý hành chính mà còn tái trồng thì có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù giam theo Điều 192, Bộ Luật Hình sự.
Còn nếu trồng nhằm mua bán thì bị xử lý hình sự về hành vi mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194, Bộ Luật Hình sự, với mức phạt từ 2 năm đến 7 năm tù giam; nếu mua bán từ 2 lần trở lên thì bị phạt từ 7 năm đến 15 năm tù; nếu mua bán số lượng lớn thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm; nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Bài, ảnh: Phan Tuấn
Nguồn tin: Báo Đăk Nông