Tàu đệm khí đổ bộ lớp Zubr - Ảnh chụp màn hình từ Youtube |
“Tiến hành những cuộc tập trận là thông lệ đối với hải quân nhiều nước. Cuộc tập trận thường niên lần này của Hải quân Trung Quốc (từ ngày 22 - 31.7) là nhằm kiểm tra năng lực sẵn sàng tham chiến, tăng cường sức mạnh và khả năng tìm kiếm cứu hộ và đảm bảo hoàn tất những sứ mạng đa dạng của quân đội”, Reuters dẫn lời ông Liang Yang, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết ngày 25.7.
Ông Yang ngang ngược bảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc và cuộc diễn tập được tiến hành theo đúng luật quốc tế. Ông Yang cho biết thêm Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành những cuộc tập trận tương tự trong tương lai và đề nghị các quốc gia trong khu vực và cả Mỹ nên tránh suy diễn về cuộc tập trận này.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho hay một số tàu đổ bộ của nước này đã không thể chọc thủng tuyến phòng vệ của địch và tấn công đổ bộ trong cuộc tập trận gần đây ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong cuộc tập trận kéo dài từ ngày 22 - 31.7 ở Biển Đông, Hải quân Trung Quốc đã điều động vũ khí mới nhất của nước này, đó là tàu đệm khí đổ bộ lớp Zubr (do Liên Xô thiết kế).
Trang tin quốc phòng IHS Janes đánh giá cuộc tập trận này, đăng tải một số hình ảnh cho thấy xe tăng chủ lực Type 99 (Kiểu 99) của Trung Quốc xuất hiện, di chuyển khỏi tàu đệm khí đổ bộ lớp Zubr.
Với độ choán nước 550 tấn, dài 57 m và rộng 26 m, tàu đệm khí đổ bộ lớp Zubr, được đánh giá là lớn nhất thế giới, có thể chở tối đa 3 xe tăng hạng nặng, hoặc 10 xe thiết giáp chở quân với 230 binh sĩ, hoặc 375 binh sĩ được đang bị đầy đủ vũ khí để tiến hành tấn công đổ bộ.
Tàu đệm khí đổ bộ lớp Zubr được trang bị vũ khí hạng nhẹ, như tên lửa phòng không, pháo 30 mm, bệ phóng rocket và tên lửa diệt hạm.
Vào năm 2009, quân đội Trung Quốc mua 4 chiếc tàu đệm khí đổ bộ lớp Zubr từ Ukraine, gồm 2 chiếc đầu tiên đóng ở Crimea và hai chiếc còn lại được đóng tại Trung Quốc (theo thỏa thuận bàn giao công nghệ với Ukraine), trị giá tổng cộng 350 triệu USD.
Trong bài viết tựa đề “Trung Quốc diễn tập xâm lược các hòn đảo ở Biển Đông” trên chuyên san The Diplomat (Nhật Bản), nhà phân tích Franz-Stefan Gady thuộc tổ chức phi chính phủ EastWest Institute, nhận định: với tầm hoạt động 480 km, tàu đệm khí đổ bộ lớp Zubr là vũ khí lý tưởng để triển khai thực hiện sứ mạng đổ bộ lên các hòn đảo ở Biển Đông.
Theo ông Gady, các tàu đệm khí đổ bộ lớp Zubr bố trí ở đảo Hải Nam, nơi đặt Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.
Như Thanh Niên Online đã đưa tin, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23.7 đã lên tiếng đã phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc tại các khu vực trên Biển Đông bao gồm đảo Hải Nam của Trung Quốc và những đảo, đá phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, ngăn cản đà phát triển quan hệ ngoại giao của hai nước, làm phức tạp tình hình, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực”, ông Bình cho biết.
“Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, dừng ngay và không tái diễn các hành động làm phức tạp tình hình”, ông Bình nói.