Trung Quốc chuẩn bị gây hấn trên hai vùng biển

Thứ sáu - 12/08/2016 04:57 873 0
Trung Quốc đang đánh tín hiệu rằng, họ đã chuẩn bị để tham chiến trên cả hai mặt trận chủ chốt ở khu vực, đối đầu về ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa mới và gia tăng áp lực với Nhật Bản về quần đảo tranh chấp.
Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông. Ảnh: China Daily
Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông. Ảnh: China Daily

Các nhà phân tích Trung Quốc đại lục cho rằng, có rất ít cơ hội giảm căng thẳng ở Đông Bắc Á hiện nay. Theo họ, một Trung Quốc đang lên muốn thể hiện khát vọng định hình chiến trường của riêng họ, bất chấp các mối đe dọa mới. “Trung Quốc đang nói với thế giới rằng, họ có năng lực chống lại hai cuộc xung đột khu vực ngay cửa ngõ của họ: biển Đông và Hoa Đông”, ông Ni Lexiong, một chuyên gia về biển tại ĐH Luật và Chính trị Thượng Hải, nhận định.

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông, đội tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp trên biển Hoa Đông. Hôm 9/8, Nhật Bản cảnh báo Trung Quốc rằng, quan hệ hai nước “đang xấu đi đáng kể”.

Tokyo lo ngại nguy cơ Trung Quốc kiểm soát biển Đông, nơi phần lớn lượng dầu nhập khẩu của họ đi qua, sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Nhật Bản và đưa Bắc Kinh tiến một bước gần hơn đến giai đoạn mở rộng ảnh hưởng ở vùng tây Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản gia tăng hỗ trợ các nước có tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc, đồng thời đưa Senkaku/Điếu Ngư vào hiệp ước an ninh giữa Tokyo và Washington. 

Reuters dẫn lời ông Kevin Maher, một cố vấn an ninh tại Washington và từng là quan chức phụ trách văn phòng các vấn đề Nhật Bản thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang tìm cách cảnh báo Nhật Bản chớ can thiệp vào biển Đông sau khi thấy Tokyo ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của Tòa Trọng tài. “Trung Quốc muốn thấy họ có thể đẩy xa đến mức nào cho đến khi họ bị đẩy lại… Mục đích cuối cùng của họ là bá quyền trên biển Đông và Hoa Đông”, ông Maher nói. 

Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc phản pháo việc Trung Quốc chỉ trích Seoul vì đã đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc. Seoul thúc giục Bắc Kinh hãy làm nhiều hơn để kiềm chế CHDCND Triều Tiên. 

Bắc Kinh coi hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD là một phần trong chiến lược của Washington nhằm kiêm chế Trung Quốc, khi hai cường quốc này đang mâu thuẫn trước việc Trung Quốc quân sự hóa các bãi đá tranh chấp trên biển Đông. Vị trí đặt hệ thống THAAD được thông báo chỉ 1 ngày sau khi Tòa Trọng tài tại La Hay, Hà Lan ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, việc Washington liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á, nhưng ba nước này vẫn phải phối hợp với Trung Quốc trong nhiều năm qua để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. 

Kinh tế cũng là yếu tố rất quan trọng. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp 1/4 nền kinh tế toàn cầu, và căng thẳng giữa ba quốc gia này có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư trong giai đoạn tăng trưởng đang chậm lại. Giới phân tích cho rằng, mối ràng buộc kinh tế chặt chẽ và ngoại giao trục trặc có thể giúp khuếch tán xung đột tiềm tàng.

 

Cần minh bạch hơn để giảm căng thẳng

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), Đô đốc Scott Swift, nói rằng, phản ứng của Bắc Kinh và các bên khác trước phán quyết của Tòa Trọng tài không gây ngạc nhiên, nhưng cần minh bạch về quân sự hơn nữa để giảm nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Phát biểu trong chuyến thăm cảng Thanh Đảo (Trung Quốc), ông Swift nói rằng, bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc nhằm tuyên bố một vùng nhận diện phòng không trên biển Đông “sẽ cực kỳ gây mất ổn định từ góc độ quân sự”.

 Tư lệnh Mỹ cho rằng, phản ứng của các bên đối với phán quyết của Tòa Trọng tài là nhất quán với quan điểm lâu nay của họ, và vẫn chưa rõ liệu những hành động gần đây của Trung Quốc có phải để đáp trả phán quyết hay không. Mỹ thường xuyên chỉ trích Trung Quốc về sự không minh bạch trong các vấn đề liên quan biển Đông. 

Ông Swift nhắc lại hai ví dụ. Một là chuyến thăm của tàu sân bay USS Stennis đến Trung Quốc trong năm nay bị Bắc Kinh hủy không một lời giải thích. Hai là Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các nhà chứa máy bay tại khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, tin rằng, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi tàu vào gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông. Mỹ làm vậy để khẳng định tự do hàng hải nhằm củng cố các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.


Nguồn tin: Báo Tiền Phong

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay3,023
  • Tháng hiện tại69,340
  • Tổng lượt truy cập41,249,941
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây