Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo nằm trong biển Hoa Đông, nơi xảy ra những tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 30.8, ông Yoshihide Suga khẳng định “Senkaku (ở Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) rõ ràng là lãnh thổ lịch sử của Nhật Bản”. Ông cũng nói rằng Nhật Bản hy vọng hai bên sẽ hành động bình tĩnh đối với các tranh chấp này.
Vào ngày 5.8, căng thẳng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục leo thang. Bộ Ngoại giao Nhật Bản triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối việc tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư.
Ván cờ ảo của Nhật và Trung Quốc?
Tuần trước, trong một cuộc họp ngoại trưởng giữa ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng Bắc Kinh nên kiểm soát tình hình căng thẳng ở khu vực biển Hoa Đông.
Biểu hiện có tính ôn hòa này phản ánh đúng kiểu phản ứng của Nhật Bản ngày 6.8, tức vài ngày sau vụ triệu tập đại sứ Trung Quốc nêu trên. Nhật Bản khi ấy cũng nhắn nhủ với Trung Quốc rằng cần kiểm soát tình hình ở Hoa Đông và không để căng thẳng leo thang.
Đến ngày 21.8, Nhật Bản cũng tố 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản ở gần Senkaku/Điếu Ngư, chỉ vài ngày sau thời điểm 14.8, khi báoYomiuri Shimbun đưa tin phía Nhật Bản phát triển tên lửa đối hải mới để bảo vệ các hòn đảo phía nam của nước này, với tầm bắn đủ bảo vệ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Việc Nhật Bản âm thầm hành động và tránh đẩy căng thẳng leo thang qua kênh phát biểu, ngoại giao có vẻ đi chệch nước cờ của Trung Quốc trước hội nghị thượng đỉnh G20 tới đây, tổ chức ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 4 đến 5.9.
Vấn đề là tại sao khi chuẩn bị đối mặt với nhiều dấu hỏi xung quanh các tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là kết quả từ vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò”, Trung Quốc lại gây hấn với Nhật Bản liên tục trong tháng 8 này?
Bloomberg trong bài phân tích ngày 30.8 khẳng định biểu hiện trên của Trung Quốc là “kỳ lạ”. Đồng thời, hãng tin này cho rằng một trong những lý do Trung Quốc đẩy căng thẳng trên biển Hoa Đông lên là nhằm cảnh báo Nhật Bản về việc Tokyo rất thể tham gia vào các cuộc tranh cãi về Biển Đông. Đặc biệt là khi Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Philippines.
“Trung Quốc chắn chắn sẽ gia tăng thêm căng thẳng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư... Rõ ràng có một nhu cầu về chính trị từ bên trong Trung Quốc nhằm chứng tỏ sức mạnh về vấn đề lãnh thổ, đặc biệt sau khi tòa thường trực (PCA, ở The Hague, Hà Lan) đưa ra phán quyết trong tháng 7, và nó có tác dụng với Nhật Bản ở cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông”, Bloomberg dẫn lời ông Chris Hughes, giáo sư nghiên cứu chính trị quốc tế và Nhật Bản tại Đại học Warwick (Anh).
Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên Tokyo luôn kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết từ tòa án quốc tế, vốn đã gây bất lợi cho Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò”.
Sự can thiệp của Nhật Bản dĩ nhiên sẽ càng gây khó khăn cho Trung Quốc, vốn trước giờ xem G20 là dịp để chứng tỏ tầm ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế. Trước đó có tin cho rằng Trung Quốc cũng nhắn nhủ Ấn Độ không tham gia vào các cuộc thảo luận quanh vấn đề Biển Đông, nhưng New Delhi từ chối.Nhật Đăng
Nguồn tin: Thanhnien