Theo ông Minh, ngày 16.1 vừa qua, Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã đưa ra 2 phán quyết về khiếu nại của Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột, đại diện bởi Văn phòng luật sư Phạm và liên danh (Hà Nội). Theo các phán quyết, cơ quan này đã hủy bỏ 2 nhãn hiệu càphê "Buon Ma Thuot" do Cty TNHH càphê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd) đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc.
Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu nhận định, Buôn Ma Thuột là một địa danh ở Việt Nam, chỉ một nơi quan trọng để trồng càphê, đã được dùng để đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cho hàng hóa tại Việt Nam. Qua thông tin đại chúng và quảng cáo, sản phẩm càphê Buôn Ma Thuột có danh tiếng nhất định đối với công chúng Trung Quốc. Việc sử dụng độc quyền nhãn hiệu này cho sản phẩm càphê của Cty TNHH càphê Buôn Ma Thuột Quảng Châu dễ gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm hàng hóa...
Trước đó, Cty TNHH càphê Buôn Ma Thuột Quảng Châu đã nộp đơn xin bảo hộ độc quyền nhãn hiệu "Buôn Ma Thuột" cho mặt hàng càphê, đồ uống và được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp bằng bảo hộ vào năm 2010. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ "Buon Ma Thuot", số đăng ký 7611987, được cấp ngày 14.11.2010 và nhãn hiệu logo kèm dòng chữ "Buon Ma Thuot Coffee 1896", số đăng ký 7970830, được cấp ngày 14.6.2011.
Các nhãn hiệu càphê Buon Ma Thuot do Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd đăng ký đã bị hủy bỏ. |
Trong khi đó, từ ngày 14.10.2005, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN Việt Nam) đã có Quyết định 806/QĐ - SHTT cấp đăng bạ quốc gia số 00004, công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đắc Lắc. Trước tình hình trên, tháng 3.2012, Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột thông qua Văn phòng luật sư Phạm và liên danh đã nộp đơn lên cơ quan chức năng Trung Quốc đề nghị hủy bỏ các nhãn hiệu nói trên.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trịnh Đức Minh, đây mới là thành công bước đầu. Vì theo luật pháp Trung Quốc, nếu không đồng ý với phán quyết của Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc, các bên liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án Trung gian sơ thẩm Bắc Kinh. Về yêu cầu đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột trên lãnh thổ Trung Quốc, cơ quan chức năng nước sở tại vẫn chưa chấp thuận.
Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu cho rằng, các bằng chứng mà Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột đưa ra chưa đủ chứng tỏ chỉ dẫn địa lý này nổi tiếng rộng khắp đối với công chúng Trung Quốc, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được bảo hộ độc quyền như chỉ dẫn địa lý ở nước này.
Nguồn tin: Lao động