Thay đổi này cho phép “quyền phòng vệ tập thể”, tức là Nhật Bản có thể sử dụng lực lượng để bảo vệ các đồng minh khi bị tấn công. Thủ tướng Nhật Bản Abe đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách này, xem đó là nhu cầu cấp thiết để đáp ứng với môi trường an ninh đang thay đổi. “Cho dù bối cảnh thế nào, tôi sẽ bảo vệ cuộc sống và sự tồn tại hòa bình của người dân Nhật” - ông nói, sau khi sửa đổi được đưa ra. Nghị quyết trên còn cần được Quốc hội Nhật thông qua, song bằng cách diễn dịch lại hiến pháp thay vì sửa đổi hiến pháp, ông Abe đã tránh được việc phải tổ chức trưng cầu dân ý.
Đây là thay đổi to lớn nhất về chính sách kể từ khi Nhật Bản thành lập lực lượng phòng vệ thời hậu chiến từ 60 năm trước. Sửa đổi này còn nới lỏng những giới hạn trong hoạt động của Nhật trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Các lực lượng vũ trang Nhật Bản sẽ liên minh nhiều hơn với quân đội các quốc gia tiên tiến khác. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ thận trọng khi tham gia các hoạt động đa phương như cuộc chiến của Mỹ ở Iraq năm 2003.
Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh việc diễn dịch lại hiến pháp này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ra tuyên bố cho rằng, điều đó sẽ làm liên minh Mỹ - Nhật hiệu quả hơn: “Quyết định này là bước đi quan trọng đối với Nhật để đóng góp nhiều hơn vào hòa bình và an ninh khu vực và thế giới. Mỹ có lợi ích lâu dài từ hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương, và liên minh của chúng ta với Nhật rất quan trọng với chiến lược của Mỹ trong khu vực”. Ông Hagel cho biết sẽ thảo luận cụ thể hơn khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật thăm Washington tuần tới.

Tuy nhiên, chính sách mới của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc tức giận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản tôn trọng các quan ngại an ninh của các quốc gia láng giềng, và xử lý vấn đề một cách thận trọng”. 

Báo chí Trung Quốc tỏ ra lo ngại rằng, việc Nhật Bản thay đổi chính sách an ninh là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cáo buộc “Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc bằng cách lợi dụng Nhật, sau khi Nhật đưa ra một cơ hội đột phá chiến lược cho Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe. 

Tờ báo này cho rằng, chừng nào mà Trung Quốc tiếp tục nổi lên thành một cường quốc, Mỹ sẽ triển khai nhiều lực lượng hơn nữa ở Châu Á và huy động Nhật tham gia”. Tương tự, tờ Nhân Dân Nhật báo cho rằng, chính quyền của ông Abe đang “thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc”.

Còn Hàn Quốc thì nói rằng, nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi chính sách nào ảnh hưởng tới an ninh của Hàn Quốc mà không được phía Hàn Quốc chấp thuận. Hàn Quốc, giống như Nhật, cũng liên minh với Mỹ, nhưng quan hệ Nhật - Hàn có nhiều góc tối do quá khứ chiến tranh.
Song việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình cũng gây tranh cãi trong chính nước Nhật với những tiếng nói phản đối chiến tranh. Cuối tuần trước, một người đàn ông ở Tokyo đã tự thiêu để phản đối mở rộng quyền lực quân sự của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.