Trung Quốc ngang ngược tuyên bố xây đảo ở Biển Đông vì an ninh quốc gia

Thứ tư - 25/11/2015 19:57 806 0
Trung Quốc lại thổi bùng mâu thuẫn tranh chấp trên Biển Đông bằng tuyên bố cải tạo đất và xây đảo trên Biển Đông vì an ninh quốc gia, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 27 ở Kuala Lumpur ngày 22.11.
Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân ngang ngược nói việc bồi đắp đảo nhân tạo là cần thiết cho an ninh quốc gia của Trung Quốc - Ảnh: Lam Yên

Tôn tạo đảo vì... nghĩa vụ quốc tế (?)
Bên cạnh nguy cơ khủng bố đang là vấn đề nóng cả thế giới quan tâm, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia), tranh chấp trên Biển Đông vẫn là vấn đề nóng nhất.
Buổi họp báo của phía Trung Quốc (TQ) ngày 22.11 diễn ra chậm hơn nửa tiếng so với dự kiến nhưng khán phòng vẫn đông phóng viên tham dự.
Thứ trưởng ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân mở đầu buổi họp báo bằng việc kêu gọi những xung đột trên Biển Đông nên được giải quyết bằng thương thảo giữa các nước liên quan và TQ dựa trên pháp lý quốc tế. TQ hoan nghênh tự do hàng hải và hàng không trong khu vực nhưng yêu cầu các nước khi thực thi quyền đó phải tôn trọng điều lệ và quyền hạn của các nước sở tại.
Ông Lưu còn ngang ngược cho rằng trong quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của VN) có hơn 100 đảo nhỏ thuộc TQ, và "rất tiếc hơn 40 đảo trong đó bị xâm chiếm bất hợp pháp bởi ba nước láng giềng của TQ" (?).
Ông Lưu nguỵ biện rằng việc bồi đắp đảo là hành động cần thiết dựa trên quyền hạn pháp lý của TQ để giúp đỡ cuộc sống cư dân trên đảo cũng như củng cố các cơ sở quân sự cho an ninh quốc gia, giúp TQ thực thi nghĩa vụ quốc tế cũng như cung cấp các dịch vụ công cộng cho những nước trong khu vực.
“Vì thế, chúng ta không nên liên đới những hành động cần thiết này với sự leo thang quân sự trên Biển Đông. Nếu cho rằng TQ bồi đắp, tôn tạo đảo làm xung đột quân sự trên Biển Đông thêm trầm trọng thì đó là những suy nghĩ gượng ép”, ông Lưu Chấn Dân nói.
Nhà ngoại giao TQ cũng không quên tiếp tục “đe”: “Các nước không liên quan trực tiếp thì đừng can thiệp vào vấn đề này, mà chỉ nên đóng góp dựa trên tinh thần xây dựng và trung hoà để đảm bảo sự ổn định của khu vực”.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố xây đảo ở Biển Đông vì an ninh quốc gia - ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung: "Nếu không có COC thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề sau này" - Ảnh: Lam Yên
Chờ COC vô thời hạn
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cũng chia sẻ với báo giới về vấn đề Biển Đông.
“Có quá trễ để có COC nữa không, khi TQ đã xây đảo xong rồi?”, ông Trung đặt câu hỏi và cho biết: “Vẫn rất cần thiết vì COC sẽ là những thước đo và luật lệ để những nước có lãnh hải liên quan với vùng tranh chấp có pháp lý và cơ sở để có những phương án đáp trả; chẳng hạn nhờ sự lên tiếng của cộng đồng thế giới, thông qua báo chí. Nếu không có COC thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề sau này, và mọi chuyện sẽ còn bị đẩy đi quá xa”.
Về kế hoạch giữa ASEAN và TQ xây dựng COC, ông Trung cho rằng ít nhất phải thúc đẩy sớm để có khung cơ bản chung của COC. “Chúng tôi cần một kế hoạch làm việc cụ thể, gặp nhau nhiều hơn để có thể bàn vào những vấn đề chi tiết. Trước mắt, ASEAN và TQ đã có kế hoạch cùng ngồi lại bàn bạc vấn đề này vào đầu năm tới”, ông nói.
Trong khi đó, trước câu hỏi khi nào sẽ hoàn tất COC, phía TQ cho biết phải mất 6 năm ASEAN và TQ mới có thể ký được Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC), cam kết giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình. Năm 2013, ASEAN và TQ mới chính thức đàm phán về COC, và bản dự thảo COC đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian hơn.
“Không ai có thể đặt ra được một thời gian cụ thể khi nào COC sẽ hoàn tất. Nhưng TQ sẽ bảo đảm thúc đẩy các tiến triển cần thiết để các nước liên quan có sự đồng thuận cần thiết cho COC”, thứ trưởng ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân nói.
Cải thiện xung đột trên Biển Đông kiểu... Trung Quốc
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân đề xuất biện pháp cải thiện tình hình xung đột quân sự trên Biển Đông.
Thứ nhất, yêu cầu những nước đang "xâm chiếm bất hợp pháp các đảo" gỡ bỏ các cơ sở quân sự (?).
Thứ hai, các nước trong cũng như ngoài khu vực phải hạn chế và kiểm soát sự có mặt các tàu quân sự trên Biển Đông, bằng chứng là đã có những hành động của một số nước đã lợi dụng quyền tự do hàng hải để mang tàu chiến và máy bay vào Biển Đông, cũng như sự thúc ép hợp tác quân sự giữa các nước trong khu vực với một số nước lớn khác.

Bài, ảnh: Lam Yên 
(từ Kuala Lumpur)

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay4,030
  • Tháng hiện tại74,143
  • Tổng lượt truy cập41,254,744
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây