Một bài viết trên tạp chí Foreign Policy gần đây lập luận việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng biển Việt Nam báo hiệu Trung Quốc sẽ không dừng lại việc lấn tới trên biển Đông.
Indonesia đề phòng
Lập luận này được củng cố bằng cơn khát năng lượng ngày một khủng khiếp của Trung Quốc. Dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy đến năm 2035, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ gấp đôi Mỹ và gấp ba Liên minh châu Âu (EU).
Biển Đông không chỉ là tuyến hàng hải huyết mạch mà còn được đánh giá cao về trữ lượng dầu khí, trong đó có vùng đáy biển xung quanh Natuna - quần đảo thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia nhưng rủi thay lại bị “đường lưỡi bò” của Trung Quốc liếm mất một phần.
Indonesia từng nhiều lần khẳng định không có tranh chấp với Trung Quốc tại Natuna bởi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Nhưng Bắc Kinh đơn giản là phớt lờ những tuyên bố của Jakarta.
Đáng chú ý, Tư lệnh quân đội Indonesia - Tướng Moeldoko - gần đây thừa nhận “thách thức chính của Indonesia trong tương lai gần là các tranh chấp trên biển Đông và an ninh biên giới”. Trước mắt, căn cứ không quân Ranai trên quần đảo Natuna đã được tăng cường an ninh đáng kể.
Tàu Indonesia tham gia tập trận hải quân Komodo 2014 vào cuối tháng 3 vừa qua
Ảnh: koarmabar.tnial.mil.id
Trước đó, vào tháng 2-2014, sau khi Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thẳng thừng: “Chúng tôi nhấn mạnh với Trung Quốc rằng chúng tôi không chấp nhận một vùng nhận dạng tương tự trên biển Đông”.
Chuyên gia Scott Bentley, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng đã đến lúc Jakarta định hình lại chính sách ngoại giao để thích ứng với môi trường hàng hải ngày càng nóng bỏng. Một tương lai mà Indonesia can dự nhiều hơn để bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển Đông gần như là chắc chắn.
Thử thách cho Mỹ
Indonesia lo lắng không phải thừa bởi theo GS Carl Thayer, Trường ĐH New South Wales - Úc, thì “không chỉ Philippines và Việt Nam phải cảnh giác. Giàn khoan Hải Dương 981 chính là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc và tất cả các quốc gia đều sẽ cảm thấy bị chèn ép”.
Từng giữ thái độ khá xa cách với những tranh chấp trên biển Đông như Indonesia, gần đây Malaysia cũng thay đổi thái độ. Một nguồn tin ngoại giao từ Kuala Lumpur nói với Reuters: “Trung Quốc đã đẩy các nước Đông Nam Á lại với nhau”.
Trong khi đó, ông Hillary Mann Leverett, chuyên gia của Trường ĐH American - Mỹ, cho rằng hành động đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc thực chất là muốn đẩy lùi hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương. Còn báo Straits Times (Singapore) nhận định Trung Quốc sẽ kiểm tra cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ bằng cách nhằm tiếp vào Philippines.
Phát biểu tại phiên họp về an ninh châu Á tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực Đông Á ở Manila - Philippines ngày 23-5, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Samuel Locklear - cảnh báo về chiến lược “độc chiếm” mà nhiều nước cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng tại các vùng biển tranh chấp.
Ông cũng hối thúc ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), đồng thời cho biết Mỹ đang tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực và mong muốn mở rộng quan hệ với Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự Shangri-La
Từ ngày 28-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel bắt đầu chuyến thăm kéo dài 12 ngày tới Singapore và châu Âu. Tại Singapore, ông tham dự diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương mang tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ ngày 30-5 đến 1-6. “Đây là cơ hội quan trọng để nhấn mạnh cam kết của chúng tôi lẫn quan hệ với các đồng minh và đối tác ở khu vực Thái Bình Dương” - người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kerby cho biết.
Nguồn tin: NLĐ Online