Trung Quốc tính toán, tìm thời cơ dùng vũ lực

Thứ ba - 17/06/2014 04:26 1.201 0
Trung Quốc đang tính toán tạo lý do để sử dụng vũ lực, gây xung đột vũ trang khi thời cơ đến, theo chiêu thức cổ truyền: “phản ứng tự vệ”, “dạy cho Việt Nam bài học”.
trancongtruc-7662-1402769088.jpg

Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: N.Hưng.

Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt ở đâu?

Ngày 1/5/2014, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 và ba tàu dich vụ dầu khí của Trung Quốc di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía nam.

Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan này neo đậu tại phía nam đảo Tri Tôn cùng khoảng 27 tàu bảo vệ. Trong các ngày tiếp theo, Trung Quốc tiếp tục huy động thêm tàu bảo vệ đến khu vực này.

Ngày 3/5/2014, trang mạng của Cục Hải sự Trung Quốc đăng thông tin thông báo từ ngày 2/5 đến 15/8, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển có bán kính một hải lý tính từ khu vực trung tâm có tọa độ 15độ 29’58” vĩ Bắc - 111độ 12’06” kinh Đông, cấm mọi phương tiện đi vào khu vực này.

Tiếp đó, ngày 5/5, Cục Hải sự Trung Quốc tiếp tục đăng thông tin trong đó thông báo mở rộng phạm vi khoan thăm dò lên ba hải lý tính từ khu vực trung tâm có tọa độ 15độ 29’58” vĩ Bắc - 111độ 12’06” kinh Đông, cấm mọi phương tiện đi vào khu vực này, đồng thời hủy bỏ cảnh báo đưa ra ngày 3/5. Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) của Việt Nam khoảng 120 hải lý.

Theo Cục Kiểm ngư, đến 10h ngày 27/5, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí có tọa độ 15độ 33’38'' độ vĩ Bắc- 111độ 34’62'' độ kinh Đông, cách đảo Tri Tôn về hướng đông - đông nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.

Cùng ngày, theo TTXVN tàu chiến Trung Quốc đã tăng cường hoạt động, áp sát các tàu kiểm ngư hơn mọi ngày và thường xuyên có hành động mở bạt che súng, chĩa súng vào các tàu kiểm ngư khi tới gần.

Ngày 27/5, Cục Hải sự Trung Quốc cũng ra thông báo về việc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 đến vị trí mới. Trong ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: Vị trí mới mà giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc di chuyển tới theo thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan ở vị trí này vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam".

Ngày 1/6, giàn khoan có sự dịch chuyển nhẹ và ổn định tại tọa độ 15độ 33’21’’N - 111độ 34’35’’E, cách vị trí ngày 27/5 khoảng 140 m về phía tây tây bắc. 

Đến nay vị trí giàn khoan cơ Hải Dương-981 vẫn nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hiện trong dư luận vẫn tồn tại những nhận thức, nhận định, đánh giá khác nhau về vị trí giàn khoan Hải Dương 981. Dư luận đang cần có câu trả lời chính xác, thật sự khách quan, trung thực và có sức thuyết phục về giàn khoan Hải Dương 981, cùng với một lực lượng lớn tàu thuyền, máy bay, trong đó có cả tàu quân sự, đang ngày đêm ngang nhiên quần đảo ở trong vùng biển nào?

Vị trí giàn khoan Hải Dương-981 có nằm trong “vùng biển Tây Sa” không?

Để biện minh và hợp thức hóa hành động sai trái của mình, Trung Quốc ngụy biện rằng vị trí đặt giản khoan cách đảo “Trung Kiến” (đảo Tri Tôn) 18 hải lý là hoàn toàn nằm trong lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo “Tây Sa”, bởi vì Trung Quốc hoàn toàn có chủ quyền với quần đảo "Tây Sa".

Về lập luận ngụy biện này, có hai nội dung mà cách tiếp cận của chúng ta cần phân biệt rạch ròi: nội dung chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và hiệu lực của quần đảo này trong việc xác định phạm vi vùng biển và thềm lục địa của nó. Từ đó mới có sự phân tích, đánh giá một cách khách quan, chính xác về vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động là ở trong phạm vi vùng biển nào theo đúng quy định của UNCLOS.

1. Ai là chủ nhân của quần đảo Hoàng Sa?

Trung Quốc không thể xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực để xâm chiếm hoàn toàn từ năm 1974 và luôn luôn khẳng định họ có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo này, không cần phải bàn cãi. 

Việt Nam cũng đã bày tỏ quan điểm rõ ràng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi.

Nhưng Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau ba lần thừa cơ thôn tính Hoàng Sa bằng vũ lực.

Lần thứ nhất, Trung Quốc đã nhảy vào chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngay từ đầu năm 1909, mở đầu là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy ba pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm. Sau đó nước này phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được Chính quyền Pháp, đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý, thực thi chủ quyền tại quần đảo này.

Lần thứ hai, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận trong Thế chiến 2 và Việt Nam vừa giành được độc lập và đang phải đối mặt với bộn bề khó khăn, năm 1946 chính quyền Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Lần thứ ba, khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục chạy ra Đài Loan, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng bất hợp pháp ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Tham vọng bành trướng lãnh thổ của người Trung Quốc trên Biển Đông vẫn không dừng lại mà chỉ chực có cơ hội là thừa thế đánh chiếm. Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneva và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của Hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo An Vĩnh, phía đông quần đảo Hoàng Sa.

Đó là trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, một dấu ấn bi hùng không bao giờ phai trong lịch sử đấu tranh gìn giữ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của dân tộc Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn sai trái:

Một là, hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là sự vi phạm nghiêm trọng điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.

Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/ 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe dọa hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Hai là, hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.

Ba là, theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các toà án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

2. Trung quốc cố tình áp dụng sai Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982:

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hoạt động nằm ở vùng biển nào: lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa” hay nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ?

Dễ dàng nhận ra, vị trí này không phải nằm trong lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa, thậm chí là của đảo Tri Tôn, vì lúc đầu, nó ở cách Tri Tôn 18 hải lý và từ ngày 27/5, nó ở cách đảo Tri Tôn 25 hải lý. Vậy thì chỉ có thể là nó đã nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế của quần đảo này (vì vùng tiếp giáp lãnh hải xét về phạm vi không gian, vẫn là một bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế). Vấn đề là quần đảo này có hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để có thể cho phép quốc gia có chủ quyền mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo này hay không?

Như mọi người đều biết, quần đảo này bao gồm các đảo, đá, bãi cạn, rạn san hô rất nhỏ bé, nằm trong khu vực có khí hậu khắc nghiệt, không thích hợp cho đời sống của con người và đương nhiên không thể có đời sống kinh tế riêng, mặc dù sau khi xâm chiếm bằng vũ lực, Trung Quốc đang cố tìm cách tạo ra diện mạo đó. Hơn nữa, quần đảo này không phải là quốc gia quần đảo. Vì thế, việc vạch ra hệ thông đường cơ sở để từ đó xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của quần đảo này là hoàn toàn khác với quốc gia quần đảo. Vì những lý do đó, có thể khẳng định rằng quần đảo này không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục đia theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; có chăng thì từng đảo nổi theo đúng quy định của Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 chỉ có thể có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý mà thôi.

Việc Trung Quốc đã vạch một đường cơ sở bao trọn quần đảo mà họ gọi là “Tây Sa” để từ đó tạo ra vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sai với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Do đó có thể khẳng định rằng vị trí của giàn khoan này hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép và đang cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để biện minh cho yêu sách vô lý, đầy tham vọng của mình.

Để minh chứng cho nhận xét này, xin hãy tham khảo các quy định có liên quan của Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam:

Điều 121, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa: “một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. Nội dung quan trọng hơn đó là chế độ pháp lý của các đảo: các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, các đảo “không thích hợp cho con người ở và không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Điều 19, Luật Biển Việt Nam đã quy định về đảo, quần đảo như sau:

- Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Quần đảo là tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau.

- Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Điều 20, Luật Biển Việt Nam quy định:

- Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Đảo, đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Điều 13, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định rõ: “các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là các vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước”. Chế độ pháp lý của các bãi cạn, đá: khi toàn bộ hoặc một phần bãi cạn nửa nổi, nửa chìm ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải; khi chúng hoàn toàn ở cách lục địa hoặc ở cách một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì chúng không có lãnh hải riêng và các đường cơ sở thẳng chỉ được kéo đến hay xuất phát từ các bãi này khi trên đó có các công trình thiết bị nhân tạo thường xuyên nhô trên mặt nước.

tau4-5758-1402769088.jpg

Tại thực địa, các tàu Trung Quốc thường xuyên vây ép ngăn chặn tàu Việt Nam. Ảnh:Canhsatbien.

Quốc gia quần đảo? Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 dành một phần (Phần IV), gồm các điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54 để quy định về phạm vi và chế độ pháp lý của quốc gia quần đảo và quần đảo. Theo đó, quốc gia quần đảo là quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm một số đảo khác nữa. Còn quần đảo là một nhóm các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước nối giữa và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Nội dung quan trọng nhất là tại Điều 47, Công ước quy định về đường cơ sở quần đảo: quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nổi xa nhất của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Chiều dài của các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lý; hoặc có thể có chiều dài tối đa là 125 hải lý, nếu có 3% tổng số đường cơ sở bao quanh một quần đảo có chiều dài lớn hơn 100 hải lý; tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh quần đảo. Các đường cơ sở này cũng không được kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, trừ trường hợp trên đó có xây các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải…

Với những nội dung này thì rõ ràng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 chỉ quy định cách vạch đường cơ sở thẳng cho quốc gia quần đảo, chứ không quy định cách vạch đường cơ sở cho các quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Điều đó được hiểu là cách vạch đường cơ sở tại các quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển ở cách quốc gia đó một khoảng cách vượt quá chiều rộng lãnh hải thì sẽ phải tuân thủ các quy định tại phần VIII, Điều 121: Chế độ các đảo.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định này của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để vạch đường cơ sở và xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng.

Ngoài ra, Luật Biển còn có những quy định về các đảo, công trình, thiết bị nhân tạo được xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa:

Điều 60, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, khai thác và sử dụng: các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác… Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó, kể cả quyền tài phán về luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư.

Việc xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, phải có các phương tiện thường trực để báo hiệu sự tồn tại của chúng. Nếu các thiết bị đó đã bỏ hoặc không dùng nữa thì phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải…

Quốc gia ven biển có thể lập ra xung quanh các công trình đó những khu vực an toàn có phạm vi không vượt quá 500 m xung quanh chúng tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các công trình và đều phải được thông báo theo đúng thủ tục. Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các quy phạm quốc tế liên quan đến hàng hải trong khu vực gần các công trình và các khu vực an toàn đó.

Tuy nhiên không được xây dựng các công trình nhân tạo và lập các khu vực an toàn xung quanh chúng ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.

Các công trình nhân tạo này không được hưởng quy chế các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Việc xây dựng và bảo vệ các công trình nhân tạo trên thềm lục địa cũng phải tuân thủ các quy định nói trên, với những sửa đổi cần thiết về chi tiết (mutatis mutandis).

Điều 34, Luật Biển Việt Nam đã quy định về đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển bao gồm:

- Các giàn khoan trên biển cùng toàn bộ các bộ phận phụ thuộc khác đảm bảo hoạt động bình thường và liên tục của các giàn khoan hoặc các thiết bị chuyên dùng để thăm dò, khai thác và sử dụng biển.

- Các loại báo hiệu hàng hải.

- Các thiết bị công trình khác được lắp đặt và sử dụng ở biển.

Nhà nước Việt Nam có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả quyền tài phán theo các quy định của pháp luật về hải quan, thuế, y tế, an ninh và xuất nhập cảnh. Tại các điểm 3,4,5,6, Điều 34, Luật Biển Việt Nam đã thể hiện đầy đủ các nội dung phù hợp với các quy định nói trên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Có thể khẳng định rằng những lập luận để bảo vệ cho cái gọi là “hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 là hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc…” là thiếu căn cứ và hoàn toàn phi lý; bởi vì quần đảo Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm trái phép. Hơn nữa, vị trí của giàn khoan này hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có liên quan gì đến vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để biện minh cho yêu sách vô lý, đầy tham vọng của mình.

3. Hoạt động của giàn khoan là bình thường hay bất bình thường?

Nội dung phân tích nói trên đã cho thấy rõ sự bất bình thường của cái gọi là “hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc Tây Sa” xét về khía cạnh pháp lý. Thực chất đây là kết quả logic của việc Trung Quốc cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Xem tiếp >>>

Tiến sĩ Trần Công Trục

Nguồn tin: VnEpress.net

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại56,282
  • Tổng lượt truy cập41,236,883
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây