Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, không quân Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc “tuần tra tác chiến” tại Biển Đông. Theo thông tin đăng trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 6.8, không quân Trung Quốc đã điều oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ Su-30, máy bay cảnh báo sớm, máy bay trinh sát và máy bay tiếp liệu tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
Trước đó, vào 15.7, tức 3 ngày sau khi Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ra thông báo xác nhận không quân nước này đã thực hiện một cuộc tuần tra tác chiến trên bầu trời Scarborough với sự tham gia của oanh tạc cơ H-6K.
Tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia quân sự nhận định Trung Quốc đang cố gắng “bình thường hóa” các cuộc tuần tra tại Biển Đông nhằm mục đích củng cố sự kiểm soát đối với không phận ở vùng biển quan trọng này.
Theo ông Tống Trung Bình, một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, oanh tạc cơ H-6K là một trong những máy bay lớn nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), có thể mang tên lửa có tầm bắn 1.500 km để “phủ sóng” toàn bộ Biển Đông. Việc huy động chiến đấu cơ Su-30 với khả năng tiếp liệu nhiều lần trên không có thể giúp không quân Trung Quốc thực hiện tham vọng mở rộng tầm hoạt động trên Biển Đông.
Chiến đấu cơ Su-30 Trung Quốc “tuần tra tác chiến” phi pháp ở Biển Đông81.CN |
Theo đại tá quân đội Trung Quốc về hưu Nhạc Cương, những cuộc tuần tra gần đây cho thấy không quân PLA đang chú trọng phát triển khả năng phòng thủ và tấn công cùng lúc “nhằm bảo vệ lực lượng hải quân lúc xảy ra chiến tranh”. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Nhạc cũng nói rằng việc Trung Quốc tuyên bố sẽ cho máy bay tuần tra thường xuyên vùng trời Biển Đông cho thấy Bắc Kinh muốn từng bước hạn chế dẫn đến chấm dứt việc Mỹ cho máy bay tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông.
Trong khi đó, chuyên gia Anthony Wong ở Macau lo ngại việc tăng cường tuần tra có thể là dấu hiệu báo trước khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Nhận định này không phải là không có cơ sở, bởi vào 13.7, tức chỉ 1 ngày sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố Bắc Kinh có quyền lập ADIZ trên Biển Đông nhưng “còn phụ thuộc vào mức độ bị đe dọa”, theo Reuters.
TS Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore): Trung Quốc khó có thể duy trì những hoạt động như vậy trong dài hạn, bởi họ cần có một lực lượng lớn, nhiều loại phương tiện. Hồi tháng trước, họ cũng từng huy động đến 3 hạm đội để tập trận trên Biển Đông, khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện trên Biển Đông. Tuy nhiên, đó cũng là lần hiếm hoi Trung Quốc có thể điều động đến 3 hạm đội để tập trận. Ngoài Biển Đông, Bắc Kinh còn các mối quan tâm ở biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Mặc dù vậy, những động thái gần đây của quân đội Trung Quốc nhằm nhấn mạnh khả năng quân sự, tỏ rõ ý định sẵn sàng đối đầu và gửi thông điệp đó đến nhiều bên như ASEAN lẫn Mỹ. TS Satoru Nagao,chuyên gia của Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản - giảng viên ngành an ninh tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản): Mục đích của Bắc Kinh quá rõ ràng. Họ đang dần tăng cường hiện diện quân sự. Và họ có thể còn làm nhiều hơn nữa trước kỳ bầu cử Mỹ sắp tới. Trước tình hình này, ASEAN không chỉ tăng cường hợp tác hải quân mà còn cả không quân. Trung Quốc đang cố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Khi đầy đủ cơ sở hạ tầng, họ sẽ làm điều đó. GS Ric-hard Javad Heydarian, chuyên gia về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học La Salle (Philippines): Trung Quốc đang muốn gửi thông điệp phán quyết của Tòa trọng tài chẳng liên quan cái mà Bắc Kinh gọi là “quyền lịch sử” của họ đối với Biển Đông. Họ đang triển khai máy bay tiêm kích và máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân để thể hiện thông điệp trên. Ngô Minh Trí (thực hiện) |
Trùng Quang