Sau một thời gian ho kéo dài, sụt cân, mất ngủ… bà Phạm Thị Sự (52 tuổi) trú tại thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) quyết định đi khám và được chẩn đoán đã mắc bệnh lao. Khi mới biết tin mình mắc bệnh, bà Sự rất buồn và lo lắng. Bởi trong suy nghĩ của bà, lao là bệnh nan y, khó chữa và sẽ bị mọi người xa lánh vì sợ lây. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Chư Jút tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về bệnh lao, bà Sự đã hiểu rằng bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu mình áp dụng và kiên trì theo đuổi phác đồ điều trị, hơn nữa, bệnh lao cũng không dễ lây lan nếu mình áp dụng đúng các biện pháp phòng tránh.
Được biết, bà Sự là 1 trong số 60 bệnh nhân lao trên địa bàn đang được Trung tâm Y tế huyện Chư Jút quản lý. Năm 2013, Trung tâm đã tổ chức khám cho 904 lượt người, tổ chức xét nghiệm cho 2.786 lượt người, qua đó đã phát hiện mới 50 bệnh nhân lao. Hiện nay mỗi ngày thường có 3-4 bệnh nhân đến khám tại Phòng khám lao của Trung tâm.
Cán bộ chuyên trách thường xuyên đến tận nhà tuyên truyền và hướng dẫn cách phòng chống lây lan bệnh lao cho người dân thị trấn Ea T’ling (Chư Jút). |
Theo ông Nguyễn Xuân Thảnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Chư Jút, có được kết quả trên là do Trung tâm luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân đi khám phát hiện bệnh. Khi phát hiện bệnh nhân lao mới, các bác sỹ của Trung tâm, cán bộ chuyên trách của Trạm Y tế sẽ tư vấn, giúp bệnh nhân nâng cao hiểu biết về bệnh. Với tỷ lệ khám phát hiện bệnh nhân cao, tỷ lệ hoàn thành điều trị trên 90% và điều trị khỏi đạt 96%, Chư Jút luôn là một trong những địa phương đi đầu trong công tác khám phát hiện và phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh nhà.
Bác sĩ Phạm Đức Trí, Chủ nhiệm chương trình Lao, Trung tâm Y tế huyện Chư Jút chia sẻ: khó khăn lớn nhất hiện nay của công tác phòng chống lao đó là sự mặc cảm, tâm lý e ngại của người bệnh, dẫn đến giấu bệnh, không đến các cơ sở y tế để chữa trị, gây nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao. Bên cạnh đó, do quá trình chữa bệnh kéo dài, khiến bệnh nhân chán nản, thường bỏ cuộc và không theo đủ các phác đồ điều trị. Dẫn đến nguy cơ bệnh nhân lao kháng thuốc rất nguy hiểm.
Trên địa bàn huyện Chư Jút, thì thị trấn Ea T’ling là địa bàn có số lượng bệnh nhân lao đông nhất. Hiện nay, Trạm Y tế thị trấn đang quản lý 15 trường hợp. Ông Nguyễn Công Minh, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Ea T’ling cho biết, để chương trình phòng chống lao đạt hiệu quả, trong các buổi họp giao ban, Trạm luôn chú trọng đến công tác khám phát hiện bệnh nhân mới. Nhắc nhở các nhân viên trong Trạm đặc biệt chú ý tới những bệnh nhân có những dấu hiệu đặc trưng của bệnh lao như sốt, ho nhiều lần, kéo dài lâu ngày… Chính vì thế, tỷ lệ khám phát hiện bệnh nhân lao mới của Trạm luôn đạt cao. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách của Trạm Y tế thường xuyên đến tận nhà người bệnh thăm hỏi, cấp phát thuốc, đồng thời hướng dẫn họ cách giữ gìn vệ sinh chung như ăn, uống bằng chén bát, ly tách riêng. Trong giai đoạn 2-3 tháng đầu nên thường xuyên đeo khẩu trang khi ho, tránh không để lây lan cho người nhà và cộng đồng. Những hoạt động đó đã góp phần khiến công tác phòng chống lao trên địa bàn ngày càng hiệu quả.
Bài, ảnh: Lý Nguyễn
(Trung tâm TT-GDSK)