Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đăng ký học tín chỉ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Có nhiều ý kiến phản đối với những lập luận rất tâm huyết và cũng có một số ý kiến ủng hộ việc này. Vấn đề cân nhắc là, việc tự bổ nhiệm có phù hợp với luật và quy định hiện nay hay chưa.
Cách thức bổ nhiệm ở nước ngoài
Ở các nước phát triển, có 2 cách thức cơ bản để bổ nhiệm. Một là, hội đồng cấp quốc gia sẽ xem xét công nhận một nhà giáo đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS rồi sau đó trao quyền cho các trường ĐH tự quyết định bổ nhiệm. Cách thứ hai là cho các trường ĐH tự quy định tiêu chuẩn, tự bổ nhiệm.
Nước Pháp có thể coi là một đại diện điển hình cho mô hình 1 và nước Mỹ, Úc là đại diện cho mô hình 2. Vì vậy, một người đang là GS (professor) của ĐH A khi chuyển sang làm việc ở ĐH B thì có thể chỉ được bổ nhiệm làm PGS (associate professor) hay giảng viên cao cấp (senior lecturer).
VN đang theo hướng của mô hình 1, song không phải giống y chang kiểu của Pháp. Không có “thông lệ quốc tế” nào cho thấy trong một nền giáo dục ĐH có tồn tại song song hai loại GS, PGS được bổ nhiệm theo cả 2 mô hình. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang muốn làm theo cách thứ hai ở nước ngoài, nhưng như vậy là không đúng pháp luật hiện hành, không phù hợp với thực tiễn hiện nay ở VN và sẽ gây ra tiền lệ không hay về giáo dục, văn hóa và xã hội.
Không thể suy diễn luật
Quy định về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh GS, PGS đã có trong Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung năm 2012 bằng Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg) và Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 30/2012/TT-BGDĐT năm 2012). Theo đó, một nhà giáo khi thấy mình có đủ điều kiện theo quy định thì có quyền nộp hồ sơ đăng ký đạt tiêu chuẩn chức danh GS hoặc PGS tại một hội đồng cơ sở. Sau đó trải qua 3 vòng đánh giá ở 3 cấp hội đồng (cấp cơ sở, cấp ngành và cấp nhà nước), nhà giáo đó có thể được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Việc bổ nhiệm một nhà giáo đã được 3 cấp hội đồng công nhận đạt tiêu chuẩn vào chức danh GS, PGS thuộc quyền của trường ĐH. Quy định này không thể bị hiểu nhầm là trường ĐH tự mình có quyền quy định tiêu chuẩn và tự bổ nhiệm.
Trong một xã hội văn minh thì phải thượng tôn pháp luật. Không thể tự cho rằng việc bổ nhiệm hiện nay có nhiều bất cập nên trường ĐH có quyền tự quy định, tự bổ nhiệm chức danh này.
Nếu lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng có quyền tự công nhận, bổ nhiệm GS, PGS dựa vào căn cứ pháp lý là khoản 2.b, mục II, điều 1 của Quyết định 158/QĐ-TTg (về phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giai đoạn 2015 - 2017) là cố tình hiểu sai quy định của Thủ tướng. Khoản này quy định trường có quyền “Tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong và ngoài tuổi lao động căn cứ vào đề án vị trí việc làm, sau khi được hội đồng trường thông qua”; không có quy định nào trong Quyết định 158 của Thủ tướng cho phép trường này tự quy định và tự công nhận, bổ nhiệm GS, PGS.
Hơn nữa, GS, PGS không phải là “chức vụ chuyên môn” như lập luận của trường ĐH này mà chỉ là chức danh nghề nghiệp của nhà giáo, là danh dự, uy tín chuyên môn gắn với nhân thân một người chứ không gắn với quyền lực hay chức vụ. Ở nước ta, theo quy định của pháp luật và cách hiểu chính thống thì chỉ có một cách hiểu thống nhất về GS, PGS chứ không thể có cách hiểu như lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng muốn làm; cũng không thể đánh đồng khái niệm GS, PGS hiện nay với GS trung học, GS tiểu học thời Pháp thuộc.
Đã có lập luận rằng: “Trường ĐH được quyền tự quy định và công nhận GS, PGS vì pháp luật không cấm”. Tự chủ ĐH hiện nay không thể được suy diễn rằng được quyền tự quyết định mọi vấn đề, vì những vấn đề nào được tự chủ và tự chủ như thế nào đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nguyên tắc công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm cần được hiểu đúng. Những quy định cấm của pháp luật có thể minh thị theo kiểu liệt kê “cấm các hành vi sau đây...”, nhưng có những hành vi bị cấm theo nguyên tắc pháp luật và không được làm trái quy định của pháp luật đã có. Không thể suy diễn rằng việc tự bổ nhiệm GS, PGS không có trong danh mục liệt kê bị cấm nào cho nên các ĐH được quyền làm. Quyết định số 174/2008 của Thủ tướng đã quy định rõ ràng phạm vi áp dụng là tất cả “các cơ sở giáo dục ĐH VN”. Việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS đã được quy định rõ ràng, cho nên việc tự quy định và tự công nhận chức danh GS, PGS là trái pháp luật. Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trường ĐH công lập có quốc tịch VN, đang hoạt động tại VN, có cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn Lao động VN thì chắc chắn phải tuân thủ pháp luật VN.
Trước tình hình này, Hội đồng chức danh GS nhà nước, Bộ GD-ĐT nên sớm có văn bản khẳng định đúng sai và chấn chỉnh những hành vi sai luật.
Thực hiện khi có một nền giáo dục ĐH phát triển lành mạnh Học tập kinh nghiệm nước ngoài là việc phải làm, song cần hiểu rõ rằng phải luôn xem xét đến các điều kiện hoàn cảnh cụ thể, xem có phù hợp với VN hay không. Có thể một thời gian nữa chúng ta mới có những điều kiện chín muồi để không cần đến các hội đồng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS như hiện nay mà để cho các trường ĐH tự quyết. Để trao cho các ĐH tự bổ nhiệm GS, chúng ta cần có một nền giáo dục ĐH đã phát triển lành mạnh; đã đạt mức độ tự chủ ĐH cao và có những ĐH thực sự đẳng cấp quốc tế; xã hội được cung cấp đủ thông tin và có sự tỉnh táo để phân biệt “ĐH thiệt” và “ĐH rởm”, GS thực sự và GS “rởm”... Nếu hiện nay cho ĐH tự bổ nhiệm GS, PGS thì xã hội sẽ không thể phân biệt được GS, PGS đó đã được Hội đồng chức danh GS nhà nước công nhận hay do ĐH tự công nhận. |