|
Trong số này, các bị can Chen Xieng Chun và Long Guang Kun (cùng quốc tịch Trung Quốc) là thuyền trưởng và máy trưởng tàu Jiang Zhou 01 bị truy tố về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Nguyễn Thanh Phương (53 tuổi), nguyên Giám đốc Công ty Hoàng Sơn, có trụ sở ở Thanh Hóa cùng 3 thuyền trưởng, máy trưởng tàu thuộc Công ty Hoàng Sơn và Công ty Tiến Nhật (có trụ sở ở Nghệ An) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và 7 bị can khác về tội buôn lậu.
Theo cáo trạng, ngày 28.7.2012, tại vùng biển Thanh Hóa, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bắt quả tang tàu Jiang Zhou 01 treo cờ Campuchia đang bơm xăng A92 sang các tàu của VN là tàu Minh Châu 08 (thuộc Công ty Tiến Nhật) và tàu Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02 (thuộc Công ty Hoàng Sơn). Thời điểm bắt quả tang, cơ quan chức năng xác định số xăng mà tàu Minh Châu 08 đã tiếp nhận là 248,5 tấn, trị giá hơn 7,4 tỉ đồng, các tàu của Công ty Hoàng Sơn đã tiếp nhận hơn 171 tấn, trị giá hơn 5,1 tỉ đồng. Qua kiểm tra nguồn gốc cho thấy số xăng trên theo thủ tục giấy tờ là của Công ty xăng dầu hàng không Vinapco mở tờ khai tái xuất 1.350 tấn xăng A92, trị giá hơn 1,3 triệu USD cho Công ty TNHH Hồng Phát ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, nhưng trên thực tế chủ hàng số xăng dầu này là của A Minh, trú tại cảng Kỳ Xá, Phòng Thành, Trung Quốc và Nguyễn Văn Thành, chủ khách sạn Hạ Long Star (tỉnh Quảng Ninh). Sau khi nhận hàng ở cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh, thay vì vận chuyển đi cảng Phòng Thành, Trung Quốc, tàu Jiang Zhou 01 đã “bẻ ghi” vào vùng biển Thanh Hóa để bán lại số xăng nói trên cho tàu VN. Bị can Chen Xieng Chun và bị can Long Guang Kun khai nhận đã được A Minh và Thành thuê, chỉ đạo vận chuyển và bán lại cho các tàu VN.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện và có đủ cơ sở chứng minh trước đó Chen Xieng Chun đã nhận một lô hàng dầu DO trị giá hơn 1,4 triệu USD theo diện tạm nhập tái xuất của Công ty xăng dầu B12 tái xuất cho Công ty nhiên liệu và chất đốt Hồng Phát Uy Giang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo chỉ đạo của Thành và A Minh, Chen Xieng Chun đã vận chuyển số dầu trên đến vùng biển Thanh Hóa giao bán cho Công ty Hoàng Sơn 400 m3, trị giá hơn 8,2 tỉ đồng, Công ty Tiến Nhật 350 m3 trị giá hơn 7,1 tỉ đồng. Hiện bị can Thành bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.
Được biết, Công ty Hoàng Sơn do vợ chồng Phương và Sơn “sắt” làm chủ được coi là doanh nghiệp vận tải biển lớn ở miền Trung, cuối năm 2011 công ty này từng phải trả 2,6 triệu USD cho hải tặc Somalia để chuộc tàu và 24 thủy thủ bị bắt cóc.
Án chồng án Đáng chú ý, bị can Nguyễn Thanh Phương ngoài vụ án này còn liên quan đến một vụ án buôn lậu xăng dầu khác. Theo đó, cuối năm 2013, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Phương cùng chồng là Nguyễn Trường Sơn (hay còn gọi là Sơn “sắt”) về hành vi buôn lậu. Cặp vợ chồng này bị cáo buộc đã câu kết với một số đối tượng khác buôn lậu khoảng 2.600 tấn dầu DO qua đường biển. |
Thái Uyên