1. Nghị định 21/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/2011/NĐ-CP ngày 23/03/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
* Ngày ban hành : 24/02/2017
* Ngày có hiệu lực : 24/02/2017
* Nội dung chính: Theo đó, bổ sung đối tượng được miễn thuế SDĐ nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả nhận thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp); hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và hộ gia đình, cá nhân nhận đất giao khoán ổn định của công ty nông, lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp; hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Nghị cũng bổ sung quy định về việc khai thuế và điều chỉnh, bổ sung thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các đối tượng đang phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp được chuyển sang miễn thuế từ năm 2017 đến hết năm 2020 như sau:
+ Căn cứ sổ thuế sử dụng đất năm 2016, Chi cục thuế phối hợp với UBND cấp xã rà soát và xác định đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để chuyển từ sổ theo dõi thu sang sổ thuế gốc.
+ Người nộp thuế đã có tên trong sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp nay thuộc đối tượng được miễn thuế thì không phải kê khai lại và làm hồ sơ xét miễn thuế.
+ Nếu có sự thay đổi về căn cứ tính thuế thì người nộp thuế phải kê khai lại cho UBND cấp xã để điều chỉnh sổ thuế.
+ Ban hành quyết định miễn thuế.
2. Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2017
* Ngày ban hành : 07/3/2017
* Ngày có hiệu lực : 07/3/2017
* Nội dung chính: Chính phủ yêu cầu Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải quán triệt chủ đề hành động của năm 2017 “ Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” coi đây là trọng tâm hành động, thực hiện.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2017, theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân, kịp thời phát hiện xử lý khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể…
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng phương án, kịch bản, lộ trình điều chỉnh giá một cách chặt chẽ theo cơ chế thị trường một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức không quá 4%.
- Khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp, tạo đột phá trong lĩnh vực xã hội hóa dịch vụ công. Kiên quyết thực hiện lộ trình tự chủ đầy đủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn lộ trình tự chủ tài chính với điều chỉnh giá dịch vụ công….
Để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu:
- Bộ NN và PTNT khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch, ban hành trước ngày 15/3/2017.
- Bộ TN và MT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất,…
3. Thông tư 20/2017/TT-BTC sửa đổi Khoản 2 Điều 8 Thông tư 195/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi theo Thông tư 130/2016/TT-BTC) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
* Ngày ban hành : 06/3/2017
* Ngày có hiệu lực : 20/4/2017
* Nội dung chính: Theo Thông tư, người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra trong nước; số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế tiêu thụ đặc biệt tính được ở khâu bán ra trong nước. Riêng với số thuế tiêu thụ đặc biệt không được khấu trừ thuế, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mặt khác, Thông tư giữ nguyên quy định điều kiện khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt như sau: Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc nhập khẩu hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì chứng từ làm căn cứ khấu trừ là chứng từ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nhập khẩu. Trường hợp mua nguyên liệu trong nước: Hợp đồng mua bán hàng hóa; Chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt là hóa đơn GTGT khi mua hàng.
4. Nghị định 25/2017/NĐ-CP của Chính phủ về báo cáo tài chính Nhà nước
* Ngày ban hành : 14/3/2017
* Ngày có hiệu lực : 01/01/2018
* Nội dung chính: Nghị định này quy định về nội dung báo cáo tài chính nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai báo cáo tài chính nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập báo cáo tài chính nhà nước.
Các đơn vị có nhiệm vụ lập báo cáo tài chính nhà nước và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhiệm vụ cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, bao gồm: Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước các cấp; Cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; Cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp; Cơ quan nhà nước, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước; Cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; Đơn vị sự nghiệp công lập.
Chính phủ cũng nhấn mạnh UBND tỉnh và Bộ Tài chính phải công khai báo cáo tài chính Nhà nước tỉnh và báo cáo tài chính Nhà nươc toàn quốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày được báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Quốc hội.
Việc công khai báo cáo tài chính Nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức như phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nội dung công khai bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước; Nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ Nhà nước trên phạm vi tỉnh (với báo cáo tài chính Nhà nước tỉnh); Nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ Nhà nước trên phạm vi toàn quốc (với báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc)…
5. Nghị định 31/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm
* Ngày ban hành : 23/3/2017
* Ngày có hiệu lực : 10/5/2017
* Nội dung chính: Quy chế này quy định nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức lập, các Ban thuộc Hội đồng nhân dân xem xét, thẩm tra, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định hoặc cho ý kiến đối với các báo cáo:
- Trình Hội đồng nhân dân quyết định: Kế hoạch tài chính 05 năm địa phương; kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương; dự toán và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương hằng năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
- Trình Hội đồng nhân dân tham khảo về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương khi xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương.
- Trình Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách địa phương.
Việc lập báo cáo phân bổ NSĐP phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Đúng với dự toán ngân sách Hội đồng nhân dân thông qua cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ thu, chi được giao;
- Đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn và định mức chi;
- Phân bổ đủ vốn, kinh phí để thu hồi các khoản đã ứng trước dự toán đến hạn thu hồi trong năm, vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)…
- Đối với phân bổ vốn đầu tư phát triển phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và các quy định khác có liên quan.
* Văn bản bị bãi bỏ: Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ
6. Thông tư 18/2017/TT-BTC Quy định Hệ thống danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực tài chính
* Ngày ban hành : 28/02/2017
* Ngày có hiệu lực : 01/5/2017
* Nội dung chính: Thông tư áp dụng với: Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính; Sở Tài chính; Phòng Tài chính; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Tài chính có hoạt động liên quan đến xây dựng, cập nhật, khai thác và sử dụng Hệ thống danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực Tài chính.
Kinh phí xây dựng, phát triển Hệ thống danh mục dùng chung được cân đối, bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính và các nguồn kinh phí hợp khác (nếu có).
Kinh phí tạo lập, chuyển đổi thông tin điện tử và số hóa thông tin cập nhật vào Hệ thống Danh mục dùng chung được bố trí trong dự toán kinh phí thường xuyên theo quy định của Bộ Tài chính về nội dung chi, mức chi tạo lập, chuyển đổi thông tin điện tử,…
Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài chính gồm:
- Phối hợp với Cục Tin học và thống kê tài chính tổ chức xây dựng, phát triển, duy trì, sử dụng thống nhất Hệ thống danh mục dùng chung;
- Xử lý, chuẩn hóa dữ liệu về danh mục mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách trên địa bàn và các danh mục khác được phân cấp quản lý cập nhật vào Hệ thống…;
- Tổ chức, quán triệt và thực hiện các văn bản, hướng dẫn về quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống danh mục dùng chung;…
*
Văn bản bị bãi bỏ: Quyết định 35/QĐ-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính
7. Thông tư 19/2017/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tài chính ban hành
* Ngày ban hành : 28/02/2017
* Ngày có hiệu lực : 15/4/2017
* Nội dung chính: Thông tư quy định, Nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo và bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính phải được lập, quản lý, sử dụng và quyết toán đúng mục đích, đúng chế độ.
Đồng thời, Thông tư hướng dẫn một số khoản chi có tính chất đặc thù trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:
- Chi tổ chức cuộc thi, hội thi công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số
14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp;
- Chi mua, thuê trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số
58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ;
- Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng: Mức chi tối đa 500.000 đồng/hồ sơ;…