|
Đất rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín quản lý bị lấn chiếm, xâm canh |
Hơn 160 ha rừng bị phá 8 tháng qua, toàn tỉnh đã phát hiện 387 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại hơn 160 ha rừng. Các địa phương có diện tích rừng bị phá nhiều là: Ðắk Song 80 ha, Tuy Ðức 28 ha, Krông Nô 22 ha và thị xã Gia Nghĩa 20 ha.
Diện tích rừng bị phá tập trung nhiều ở các công ty lâm nghiệp nhà nước, rừng giao về cho UBND xã quản lý. Trường hợp ở huyện Ðắk Song thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân đã để mất hơn 40 ha rừng; phần diện tích rừng được giao về cho 6 xã ở địa phương này quản lý cũng bị phá.
Ngay thị xã Gia Nghĩa, hơn 20 ha rừng mất chỉ tập trung ở Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (Công ty Gia Nghĩa). Ðối với huyện Tuy Ðức cũng vậy, trong 28 ha rừng bị mất nêu trên, riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín và Nông-Lâm trường Cao su Tuy Ðức đã để bị phá 18 ha rừng…
Ngoài phá rừng, tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép cũng diễn biến phức tạp không kém. Trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện 232 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu hơn 1.200 m3 gỗ các loại, xử phạt và nộp ngân sách Nhà nước gần 4 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ðắk Mil nói: “Ngoài vận chuyển gỗ “chui” vào ban đêm, “lâm tặc” còn dùng giấy tờ giả mạo cơ quan có thẩm quyền để vận chuyển gỗ bất hợp pháp. Bằng cách làm này đã gây nhiều khó khăn cho kiểm lâm cũng như ngành chức năng trong kiểm soát gỗ lậu”.
Phải xử lý việc buông lỏng quản lý Có thể nói, diện tích rừng bị phá tập trung chủ yếu ở một số địa phương, đơn vị nhà nước đã phản ánh, trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng còn bị xem nhẹ, nhất là cấp lãnh đạo. Thực tế, ngược với đơn vị nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân (những năm trước để mất rất nhiều rừng) thì năm nay lại để mất rừng rất ít.
|
Lực lượng kiểm lâm huyện Đắk R’lấp phát hiện hàng chục m3 gỗ lậu |
Nói về vấn đề này, một số “chủ rừng” tư nhân cho rằng, vì có nhiều đơn vị làm dự án bị xử lý vì để mất rừng, dẫn đến các doanh nghiệp còn lại phải “căng sức” ra giữ rừng, nếu không muốn bị xử lý. Vì vậy, đối với các đơn vị nhà nước và địa phương được giao nhiệm vụ giữ rừng thì khi xử lý trách nhiệm cũng không được ngoại lệ.
Một khi nhiệm vụ giữ rừng được quán triệt đến các cấp ủy đảng, chính quyền và từng “chủ rừng” thì hiệu quả phát huy khá cụ thể. Ở các huyện Chư Jút, Ðắk Glong những năm trước thường “đội sổ” vì để mất rừng nhiều. Tuy nhiên, 8 tháng qua, huyện Ðắk Glong chỉ mất 11 ha rừng và huyện Chư Jút không để xảy ra phá rừng.
Theo ông Nguyễn Anh Tú, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Jút, sở dĩ địa phương không xảy ra tình trạng phá rừng phải kể đến nỗ lực vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền, lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an. Vì một khi các cấp, ngành địa phương siết chặt được công tác quản lý rừng từ cơ sở sẽ hạn chế tối đa nguy cơ mất rừng.
Tương tự, đối với tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, nếu các đơn vị, địa phương làm tốt công tác giữ rừng, siết chặt những cung đường trọng điểm (Quốc lộ 14 và các tuyến tỉnh lộ) sẽ hạn chế nhiều tình trạng vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. Như ở huyện Ðắk Mil, những năm qua luôn được xem là điểm “nóng” vận chuyển gỗ lậu thì đến nay tình trạng này đã giảm đáng kể do việc quản lý được siết chặt.
Ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Thời gian qua, chi cục đã chủ động làm việc với các huyện, đơn vị “chủ rừng” để phân rõ trách nhiệm trong quản lý. Nếu đơn vị, địa phương nào buông lỏng để mất rừng, phát sinh tình trạng mua bán lâm sản thì phải xử lý, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Về mức độ, chế tài xử lý thì chi cục đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành, trong thời gian tới. Tôi hi vọng, với cách làm này sẽ kéo giảm tình trạng vi phạm lâm luật”.
Bài, ảnh: Đỗ Công