Vì sao VN đạt kết quả cao về PISA?

Thứ năm - 05/11/2015 06:43 1.490 0
Chuyên san The Diplomat vừa có bài phân tích để tìm hiểu tại sao VN có thể vượt qua những trở ngại về kinh tế - xã hội để thể hiện vượt trội giáo dục dựa trên tiêu chuẩn đánh giá PISA.

 

Theo các chuyên gia nước ngoài, VN đạt kết quả cao về PISA đã gây nên sự khuấy động dữ dội trong giới chuyên gia giáo dục và các nhà hoạch định chính sách thế giới - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTheo các chuyên gia nước ngoài, VN đạt kết quả cao về PISA đã gây nên sự khuấy động dữ dội trong giới chuyên gia giáo dục và các nhà hoạch định chính sách thế giới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sự bất ngờ mang tên PISA của VN là bài viết đăng trên phiên bản điện tử của tờ The Diplomat ngày 1.11. Các tác giả M.Niaz Asadullah và Liyanage Devangi Perera (*) của Malaysia nêu lên một thực tế khó tin. Theo đó, sự thể hiện của VN trong kỳ thi khảo sát PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) mới nhất đã gây nên sự khuấy động dữ dội trong giới chuyên gia giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Lần đầu tiên tham gia thi PISA vào năm 2012, các học sinh (HS) 15 tuổi của VN chỉ mất 3 năm để đạt được hạng 17 về toán học, hạng 8 về khoa học và hạng 17 về đọc hiểu trong số 65 nước/vùng lãnh thổ tham gia, có nghĩa là hơn chuẩn trung bình của OECD (viết tắt từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới), đơn vị khởi xướng. Vào thời điểm khi các nước phương Tây cố gắng phấn đấu để đạt được thành tích của khu vực Đông Á trong giáo dục, VN đã vượt qua Mỹ, Úc, Anh về kết quả PISA. Với thực tế này, VN đã trở thành một ngoại lệ trong cuộc tranh cãi lâu nay luôn cho rằng không thể đạt được nền giáo dục ưu tú mà thiếu sự phát triển kinh tế ở cấp độ cao.
Một ngoại lệ
Thành tích trên càng bất ngờ hơn do VN hiện vẫn đối mặt với vô số vấn đề về giáo dục tương tự như ở các nước đang phát triển khác. Chẳng hạn, một số lượng đáng kể trẻ em vẫn không đi học bậc THCS; hệ thống giáo dục bậc cao vẫn thua xa những nước như Thái Lan, Malaysia và Philippines. Trong báo cáo gần đây với tựa đề Nâng cao tay nghề cho VN: Chuẩn bị nguồn lực cho một nền kinh tế thị trường thời hiện đại, Ngân hàng Thế giới (WB) thậm chí còn cảnh báo về tình trạng thiếu hụt các kỹ năng tư duy phản biện, hoạt động nhóm và giao tiếp của sinh viên tốt nghiệp. Giống như kết luận trong một bài báo trên tờ The Economist, WB cho rằng môi trường học tập của VN quá thiếu những kỹ năng này, lớp học chỉ thường tập trung vào việc tiếp thu kiến thức một cách thuần túy và “học gạo” là chính.
Kết quả PISA của VN đặc biệt ấn tượng nếu dựa trên khía cạnh bất lợi xã hội đối với HS. Theo chuyên gia Andreas Schleicher, nhà điều phối chương trình PISA của OECD, “gần 17% số HS 15 tuổi thuộc dạng nghèo nhất VN nằm trong số 25% HS hàng đầu của 65 nước/vùng lãnh thổ tham gia thi PISA”. Điều này có nghĩa là năng lực của HS VN ngang ngửa với HS đồng trang lứa ở Hàn Quốc, dù điều kiện xã hội khác biệt. Các cuộc phân tích độc lập về kết quả học tập tại các trường lớp VN cũng đã phản ánh một thực tế rằng sự thể hiện của HS VN thật sự là một ngoại lệ. Theo khảo sát của dự án Young Lives thuộc Oxfarm, trong số 20 trẻ 10 tuổi tại VN thì có khoảng 19 trẻ có thể làm phép cộng 4 chữ số, trong khi 85% có thể trừ phân số. Khi so sánh với HS đồng trang lứa ở Ấn Độ, quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự, 47% số HS lớp 5 thậm chí không thể trừ các số với 2 chữ số.
Lời giải cho sự thành công của VN
Một số nhà phân tích cho rằng thành công của VN khi thi PISA chính nhờ vào thời gian đầu tư mạnh vào giáo dục, với 21% chi ngân sách vào giáo dục, cao hơn bất cứ thành viên OECD nào khác. Tuy nhiên, không phải đổ tiền là có kết quả tương tự, như tác giả bài viết đề cập đến tình hình ở Malaysia.
Theo nhận định chung, sự trỗi dậy đáng ngạc nhiên của VN trong giáo dục không chỉ về nguồn lực, mà thay vào đó là sự lựa chọn cẩn trọng về mặt chính sách, cũng như cam kết về chính trị và trong giới lãnh đạo.
Trong bài bình luận gần đây trên Đài BBC, nhà điều phối chương trình PISA Schleicher đã đưa ra những yếu tố được cho là góp phần vào sự thể hiện vượt bậc của HS VN so với hoàn cảnh xã hội. Trong đó, chương trình giảng dạy được thiết kế theo hướng cho phép HS hiểu sâu sát hơn về các khái niệm cốt lõi và sử dụng thành thạo những kỹ năng này, khác với khuynh hướng “trải rộng nhưng thiếu chiều sâu” ở châu Âu và Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, nghề giáo vẫn được đánh giá cao. Các giáo viên VN có năng lực tạo ra môi trường học tập tích cực, nuôi dưỡng thái độ lạc quan về học tập trong giới HS, duy trì được kỷ luật trong lớp. Cùng lúc đó, VN có nền văn hóa tôn sư trọng đạo. Thầy cô giáo nhận được sự ủng hộ hết mức và nhiệt thành từ các bậc phụ huynh, cũng như xã hội luôn đánh giá cao sự cần cù và một nền giáo dục tốt. Những nhận xét trên của chuyên gia OECD cũng được chuyên gia Christian Bodewig của WB chia sẻ, nhất là về khoản chất lượng giáo viên cũng như kỷ luật trong lớp học ở VN.
Chuyên gia Javier Luque của Ngân hàng Phát triển liên bang Mỹ bổ sung 2 lý do khác. Thứ nhất, hầu hết các trường học tại VN đều cung cấp những hoạt động dạy thêm, chẳng hạn như 95% số hiệu trưởng được hỏi cho biết trường của họ cho HS học thêm toán, chiếm vị trí thứ 3 theo thang PISA. Thứ hai, giới phụ huynh đặc biệt mong đợi con cái thể hiện thành tích cao trong lớp học, chiếm hạng 8 về mặt gây áp lực cho con cái khi học tập trong số 65 nước tham gia thi PISA. Bản thân HS cũng muốn nhận được nền giáo dục tốt, ví dụ như “dồn sức học toán là điều đáng phải làm nếu muốn có được nghề nghiệp như ý sau này”. Các bậc cha mẹ cũng không tiếc tiền gửi con du học, số HS VN nằm thứ 8 trong số những nước gửi HS bậc trung học đến Mỹ.
Dù vậy, lý do chính xác dẫn đến sự tiến bộ đáng nể của VN về kết quả PISA vẫn còn là điều gây tranh cãi. Tuy nhiên, dù bất cứ nguyên nhân gì, sự tiến bộ này thật sự vô cùng ấn tượng đối với các chuyên gia giáo dục và giới hoạch định chính sách thế giới. Theo 2 tác giả người Malaysia, VN được ví như đèn báo hiệu của hy vọng, và nên được giới hoạch định chính sách khu vực theo sát để nghiên cứu và học hỏi. Bài học quan trọng từ trường hợp của VN là khoản chi ngân sách lớn sẽ không gây tác động tích cực cho ngành giáo dục trừ phi có sáng kiến về mặt chính sách và sự dốc lòng muốn học hỏi từ người khác.

Thụy Miên

(*) M.Niaz Asadullah là giáo sư kinh tế học phát triển, kiêm Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc ĐH Malaya (Malaysia). Liyanage Devangi Perera là nghiên cứu sinh của ĐH Monash (Malaysia).

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,539
  • Tháng hiện tại18,270
  • Tổng lượt truy cập41,198,871
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây