Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Đức trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức được thiết lập cách đây tròn ba năm đang phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.
Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí thúc đẩy tiến độ các dự án hợp tác trọng điểm như Ngôi nhà Đức, xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy đầu tư của Đức vào Việt Nam.
Hai bên thống nhất tạo điều kiện để các doanh nghiệp và nhà đầu tư của mỗi nước hoạt động và kinh doanh thuận lợi tại thị trường của nhau nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.
Phía Việt Nam hoan nghênh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức sang thăm Việt Nam và chủ trì Hội nghị Doanh nghiệp Đức khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Đức đã cung cấp ODA cho Việt Nam, góp phần quan trọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Phía Đức đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác sử dụng hiệu quả nguồn vốn do Chính phủ Đức tài trợ và khẳng định sẽ tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, bảo vệ môi trường và dạy nghề.
Phía Đức khẳng định ủng hộ Việt Nam trong xây dựng và phát triển Trường Đại học Việt-Đức, dự án hải đăng của hai nước trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, thành một trường đại học tiêu biểu xuất sắc, có đẳng cấp trong khu vực.
Hai bên nhất trí đánh giá Chương trình hợp tác thí điểm đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc dài hạn tại Đức đã thu được kết quả tốt và là cơ sở cho việc mở rộng chương trình trong thời gian tới, hướng tới những ngành nghề xã hội Đức đang có nhu cầu và lao động Việt Nam có thể đáp ứng như kỹ thuật điện, nước...
Cộng đồng hội nhập thành công
Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cộng đồng trên 125.000 người Việt tại Đức hội nhập thành công vào xã hội Đức và cam kết Chính phủ Đức sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển và sự thịnh vượng của nước Đức.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), ASEAN-EU.
Đức khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy việc EU sớm kết thúc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường cùng thời điểm hoàn tất đàm phán.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và coi đây là phương thức hiệu quả để giải quyết các khác biệt.