Theo bình luận của nhà báo Zac-hary Keck trên tạp chí The Diplomat ngày 14-5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chưa hoàn toàn thống nhất về lập trường đối với sự hung hăng của Trung Quốc, cụ thể là hành động đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông Keck cho biết thái độ công khai của ASEAN không có gì thay đổi, ít nhất kể từ hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 tại Campuchia.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và các nước thành viên. Do đó, nhiều nước ASEAN không liên quan trực tiếp đến vấn đề biển Đông sẽ khó có tiếng nói hay hành động làm phật ý Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách đòi đàm phán song phương.
Do đó, theo ông Keck, song song với nỗ lực tiếp tục củng cố sự đoàn kết nội khối, 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei (nay có thể tính thêm Indonesia) cần phải liên minh lại để có quan điểm chung. Điều này càng cấp bách khi Trung Quốc thúc đẩy chiến lược “con đường tơ lụa” trên biển hay vành đai kinh tế “con đường tơ lụa” trong những năm tới.
Ngoài củng cố đoàn kết nội khối, các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông cần liên kết lại.
Ảnh: AP
4 nước nói trên không thể để mặc cho Bắc Kinh thích làm gì thì làm ở biển Đông. Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei nên tiến hành đàm phán đa phương giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với nhau mà không đòi hỏi sự tham gia của các nước ASEAN.
Giải quyết được các tranh chấp nội bộ sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của họ đối với Trung Quốc bằng cách thiết lập một tiền lệ quan trọng, trong đó gây áp lực với Bắc Kinh giải quyết tranh chấp trong điều kiện thuận lợi cho các nước Đông Nam Á.
Trước tiên, giải quyết tranh chấp biển Đông trong nội bộ 4 nước ASEAN sẽ giúp Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei ở thế thuận lợi hơn trong việc thống nhất cùng đối phó với Trung Quốc.
Thứ hai, bằng cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại diễn đàn đa phương, 4 nước sẽ thiết lập được tiền lệ rằng Bắc Kinh sẽ buộc phải đồng ý tham gia một cuộc thảo luận nghiêm túc nhằm tìm kiếm giải pháp toàn diện cho biển Đông, chứng minh cho Trung Quốc thấy diễn đàn đa phương đã giải quyết được các tranh chấp phức tạp.
Cuối cùng, giải quyết tranh chấp biển Đông trong nội bộ ASEAN sẽ cho phép các nước thành viên“quốc tế hóa” vấn đề. Trung Quốc nhiều khả năng không tham gia các vòng đàm phán này nhưng 4 nước có thể chủ động mời Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và/hoặc ASEAN tham gia vào các phiên đàm phán đa phương, tạo tiền lệ mạnh mẽ nhằm gia tăng áp lực buộc Trung Quốc nghiêm túc giải quyết vấn đề.
Nguồn tin: NLĐ Online