Phát biểu trong phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc theo cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Geneva - Thụy Sĩ hôm 5-2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Hòa bình, phát triển và nhân quyền luôn là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế. Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực thực thi các chính sách về quyền con người, bao gồm cả những khuyến nghị từ lần kiểm điểm trước đó.
Việt Nam thực hiện cơ chế UPR lần đầu vào tháng 5-2009 và nhận được 123 khuyến nghị từ 60 quốc gia, trong đó chấp thuận 96 khuyến nghị. Các khuyến nghị còn lại tuy không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam song chính phủ Việt Nam vẫn nghiêm túc nghiên cứu.
Trong phiên họp ngày 5-2, theo giới thiệu của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, đại diện các bộ, ngành lần lượt tóm lược đặc điểm của từng ngành ở Việt Nam và việc thực thi các khuyến nghị do Chính phủ phân công.
Theo TTXVN, đa số đại biểu của các nước tham dự đều hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam và chúc mừng Việt Nam với vai trò mới tại Hội đồng Nhân quyền từ đầu năm nay. Là một trong những nước đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, tỉ lệ người nghèo dưới chuẩn quốc gia của Việt Nam đã giảm từ 58,1% năm 1993 còn 7,8% năm 2013. Việt Nam cũng hoàn thành trước thời hạn 5 trong số 8 mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.
Giữa lúc còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và tài chính toàn cầu, Chính phủ Việt Nam vẫn ưu tiên các vấn đề an sinh xã hội và cải thiện mức sống người dân. Không có bất cứ chương trình an sinh xã hội nào bị cắt giảm trong giai đoạn này.
Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Việt Nam ký “Công ước của LHQ về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (gọi tắt là Công ước Chống tra tấn) vào tháng 11-2013. Đây là văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng các cơ chế bảo vệ nạn nhân và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Được quốc tế ủng hộ mạnh mẽ
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho biết như vậy về vị thế của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền của LHQ
Bích Diệp thực hiện
Phóng viên: Thưa đại sứ, ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ là gì?
- Đại sứ Lê Hoài Trung: Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ứng cử, cũng là nước Pháp ngữ duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương ứng cử và luôn được các nước ASEAN ủng hộ. Năm 2013 chứng kiến nhiều khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nhiều khu vực trên thế giới như Trung Đông, Bắc Phi… nhưng Việt Nam đã cố gắng và thực hiện đầy đủ, không cắt giảm các ưu tiên xã hội nên được LHQ ủng hộ mạnh mẽ.
Tham gia Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam luôn nhấn mạnh sự quan tâm đến lợi ích của các nước đang phát triển như bảo đảm quyền của người lao động, an sinh xã hội, thất nghiệp, biến đổi khí hậu, tự do ngôn luận, tự do báo chí... Đối với các nước phát triển, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về nhiều lĩnh vực bảo vệ con người.
Đâu là những thành tự nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực này?
- Nhà nước Việt Nam có chính sách nhất quán và đã triển khai đầy đủ nhiều biện pháp mang tính khả thi cao, như về người khuyết tật, người lao động ra nước ngoài… Quốc hội cũng sửa đổi Hiến pháp để nâng cao hơn quyền con người. Việt Nam đạt và vượt ở hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ được LHQ thông qua vào năm 2000. Trong đó, các tổ chức quốc tế đều nhất trí Việt Nam là một trong những nước giảm nghèo ấn tượng nhất, khoảng 2%/năm. Việt Nam cũng thành công trong việc dừng tăng số người nhiễm HIV/AIDS, trong khi mục tiêu của LHQ là giảm tốc độ tăng và lây bệnh.
Số lượng người theo các tôn giáo khác nhau đang tăng lên. Việt Nam đứng thứ hai tại châu Á về số người theo Công giáo, sau Philippines. Số lượng tín đồ và chức sắc theo đạo Tin lành cao nhất Đông Nam Á. Phật giáo ở Việt Nam được coi như một “bảo tàng” vì có nhiều phái khác nhau.
Việt Nam sẽ làm gì để ngày càng cải thiện vai trò và nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ thế giới, thưa đại sứ?
- Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định phải phát huy dân chủ của người dân, xây dựng nhà nước pháp quyền... Phải làm cho người dân ý thức được quyền của mình, có chương trình giáo dục pháp luật để họ được tìm hiểu về quyền của mình, quyền của phụ nữ, ví dụ như sổ đỏ phải đứng tên cả vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình…
Nguồn tin: NLĐ Online