Việt Nam xếp thứ 5 với 66 điểm. Thái Lan có mức sụt giảm chỉ số lớn nhất (59,4 điểm; giảm 7,2 điểm) trong khi Singapore đạt được mức cải thiện cao nhất (tăng 0,4 điểm lên 70,5 điểm).
Chỉ số Tiến bộ Phụ nữ của MasterCard đánh giá vị trí kinh tế-xã hội của phụ nữ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ số bao gồm ba tiêu chí chính xuất phát từ các tiêu chí phụ bổ sung: Việc làm (tham gia vào lực lượng lao động và việc làm thường xuyên); trình độ học vấn (giáo dục trung học và cao đẳng/đại học), và khả năng lãnh đạo (chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo chính trị).
Theo kết quả khảo sát, tuy phụ nữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng đạt được trình độ học vấn cao hơn so với nam giới, sự tiến bộ trong bình đẳng giới vẫn còn khá chậm - đặc biệt trong lĩnh vực lãnh đạo doanh nghiệp, sở hữu doanh nghiệp và tham gia chính trị.
Trong số 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương được khảo sát, có 10 quốc gia trong đó phụ nữ có tỉ lệ nhập học cao đẳng/đại học cao hơn nam giới. Trong khi có một mối tương quan chặt chẽ giữa giáo dục cao đẳng/đại học và khả năng lãnh đạo doanh nghiệp tại các quốc gia như Philippines (130,8 điểm cho giáo dục cao đẳng/đại học; 92,5 điểm cho lãnh đạo doanh nghiệp), New Zealand (146,3 điểm cho giáo dục cao đẳng/đại học; 70,2 điểm cho lãnh đạo doanh nghiệp) và Thái Lan (123,6 điểm cho giáo dục cao đẳng/đại học; 62,7 điểm cho lãnh đạo doanh nghiệp), phụ nữ tại đa số các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tụt hậu về khía cạnh lãnh đạo doanh nghiệp bất chấp những bằng cấp giáo dục mà họ đạt được.
Nguồn TTXVN