GIA ĐÌNH LỤC ĐỤC
Vừa rồi, ngồi uống cà phê với một anh bạn thân, qua tâm sự mới biết vợ chồng anh đang lục đục nhau cũng vì "mấy thằng đa cấp”. Chuyện là vợ anh bạn vốn là chủ một sạp bán áo quần ở chợ phường, thu nhập hàng tháng cũng không đến nỗi nào, dư sức lo cho cuộc sống hàng ngày.
Thế nhưng, thời gian gần đây, bỗng dưng nghe lời ngon ngọt của ai đó không biết, cô vợ bỗng dưng không chí thú buôn bán nữa mà bỏ, tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp của một công ty vừa mới xuất hiện ở địa bàn, chuyên về sản phẩm cà phê và nấm linh chi.
Mới tham gia, nên cô vợ rất “nhiệt tình” có mặt tại các hoạt động sinh hoạt, hội họp với các thành viên của công ty này như buổi sáng thì la cà “ngồi đồng” ở các quán cà phê, buổi chiều thì tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt. Chưa dừng lại ở đó, cô vợ còn “tích cực” theo các thành viên đi tham dự các cuộc hội họp ở tận Đà Lạt, Vũng Tàu.
Sau những chuyến đi là những hình ảnh cô vợ chụp chung với anh này, anh nọ là “đồng nghiệp” rất tình tứ được lưu vào trong điện thoại. Thậm chí, có những đêm đã khuya nằm bên chồng, nhưng điện thoại của cô vợ liên tục có những tin nhắn gửi đến rất mùi mẫn: “Em ngủ có ngon không. Em ngủ chưa, mai chúng mình gặp nhau bàn công chuyện nghe…”.
Thử hỏi như vậy thì làm sao anh chồng kìm nén được, vậy là cơn giận lâu nay có dịp bùng phát, quyết làm một phen cho ra trò. Anh bạn bảo, cũng đã cố gắng kìm lòng, khuyên nhủ vợ không nên tin vào những lời “đường mật” của các công ty kinh doanh đa cấp, nó chỉ là “chiếc bẫy” mà thôi. Vậy mà cô vợ như ăn phải “bùa mê thuốc lú”, không nghe lời khuyên mà quay ra hục hặc với chồng, cho rằng: “Nhiều người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp thu nhập hàng tháng mấy chục triệu đồng, chứ cứ nhát như ông thì có bốc đất mà ăn”.
Thu nhập mấy chục triệu đồng mỗi tháng đâu chưa thấy, nhưng với chuyện tiền bạc trong nhà ngày càng “bốc hơi” theo những sản phẩm trời ơi, những chuyến du hí ngoài tỉnh và với cảnh tụ tập, đi sớm về khuya, bỏ bê công việc làm ăn của cô vợ, gia đình anh bạn đang có nguy cơ đổ vỡ vì đa cấp.
“BÁNH VẼ”
Quả thật, là người làm báo, tôi chẳng lạ lẫm gì khi nghe người bạn kể chuyện về kinh doanh đa cấp và những hậu quả mà nó mang lại như gia đình anh. Thực tế, vào năm 2003, khi ở Đắk Lắk vừa mới xuất hiện hình thức kinh doanh đa cấp, tôi đã đi tìm hiểu và có bài viết lên tiếng cảnh báo về hoạt động của Công ty cổ phần Sinh Lợi mà lúc bấy giờ còn núp dưới vỏ bọc “hợp tác tiêu thụ sản phẩm”.
Ngay từ thời điểm đó, để quảng bá cho hoạt động của mình, Công ty Sinh Lợi thường xuyên tổ chức hội họp, trình diễn, thuyết trình về các tính năng, tác dụng của một số loại sản phẩm cũng như phương thức kinh doanh mới của công ty, thu hút đông đảo người dân đến dự.
Điều hấp dẫn, thu hút mọi người nhất chính là chế độ hoa hồng với tỷ lệ phần trăm rất lớn so với giá trị sản phẩm mà công ty dành cho các thành viên khi đứng vào tuyến tiêu thụ sản phẩm. Lúc đó, để trở thành một hợp tác viên của công ty này thì bắt buộc phải mua một sản phẩm có giá trị tối thiểu là 3 triệu đồng.
Khi mua sản phẩm, mỗi người sẽ do một hợp tác viên trước đó giới thiệu và sẽ có một mã số nhất định để theo dõi trong quá trình tham gia mạng lưới tiêu thụ. Sau đó, các hợp tác viên này có quyền được tiếp tục giới thiệu cho nhiều người khác cùng mua sản phẩm như mình và được hưởng một chế độ hoa hồng rất hấp dẫn.
Việc tiêu thụ sản phẩm và hưởng hoa hồng được công ty đa cấp này chia theo các cấp bậc: Đầu tiên là hợp tác viên, nếu người này giới thiệu thêm được 3 khách hàng khác cùng mua sản phẩm thì sẽ được lên cấp tổ trưởng và nếu có được số lượng hợp tác viên tăng dần theo cấp số nhân thì sẽ là chủ nhiệm-phi ưng-thiên ưng-ngân ưng, dĩ nhiên càng lên cấp thì được hưởng hoa hồng càng cao.
Lúc bấy giờ, tuy mới xuất hiện, nhưng phương thức kinh doanh đa cấp của Công ty Sinh Lợi đã thu hút rất đông người dân đủ các thành phần tham gia, xuất hiện nhiều “điển hình” có thu nhập hàng tháng rất “khủng”.
Theo quảng cáo của công ty, có những người trước đó chân lấm tay bùn, buôn thúng bán bưng, kiếm sống qua ngày, nhưng sau khi tham gia vào mạng lưới đa cấp này đã có thu nhập rất cao, đổi đời nhanh chóng. Để chứng minh, hàng tháng, công ty này thuê những hội trường, khách sạn sang trọng tổ chức những buổi lễ rất long trọng nhằm “tôn vinh”, trao những món hoa hồng rất lớn cho các thành viên ở các cấp, từ đó kích thích nhiều người khác tham gia.
Đây cũng chính là hình thức kinh doanh của hầu hết các công ty đa cấp về sau này. Bởi vì, một điều dễ nhận thấy nhất là khi tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp thì hầu hết các thành viên chỉ quan tâm đến việc là làm sao có cơ hội kiếm được món hoa hồng lớn mà phương thức kinh doanh này đem lại cho họ.
Do đó, sau khi mua sản phẩm, trở thành thành viên, hầu như người nào cũng cố gắng thuyết phục cho được nhiều người xung quanh đi dự các buổi thuyết trình, rồi mua sản phẩm, tham gia vào mạng lưới đa cấp như mình, tạo nên “cơn sốt” kiếm tiền theo kiểu dây chuyền. Nghĩa là người trước giới thiệu người sau mua sản phẩm, còn người sau tạo ra khoản hoa hồng “nuôi” người trước, hình thành nên những tuyến tiêu thụ sản phẩm đông đảo hàng chục nghìn người.
Thế nhưng, những người tham gia sau có được những khoản thu nhập “khủng” như quảng cáo hay không thì chỉ có trời mới biết. Chỉ biết rằng, không ít người phải vay mượn, cầm cố tài sản để mua sản phẩm, trở thành thành viên, rồi ra sức vận động người thân, bạn bè cùng tham gia, khiến tình cảm gia đình, hàng xóm sứt mẻ, đổ vỡ vì đa cấp.
Tường Mạnh
Nguồn tin: Báo Đăk Nông