Vụ lương "khủng" ở TPHCM: Tổng kiểm tra quỹ lương các DNNN

Thứ sáu - 30/08/2013 06:46 1.153 0
Ngày 29.8, UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2013. Vấn đề “nóng” nhất tại phiên họp này là vụ lương giám đốc gần 2,7 tỉ đồng/năm.

 

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiêm trị vụ này và mở rộng rà soát về tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước.    

Lấy quỹ lương của người lao động chia cho ban điều hành

Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện thanh tra 8 doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều có những sai phạm về tiền lương. Quỹ tiền lương của người lao động và ban điều hành hoàn toàn khác nhau.

Vụ lương
Công nhân Cty TNHH một thành viên thoát nước đô thị bị xén lương, thưởng để dồn cho lãnh đạo.


Thế nhưng, khi thanh tra phát hiện quỹ tiền lương của người lao động đã bị ban điều hành sử dụng một phần làm quỹ khen thưởng cho ban điều hành, như vậy là sai. Không chỉ có vậy, thanh tra còn phát hiện một lượng lớn lao động đủ điều kiện ký hợp đồng lao động có thời hạn, nhưng chỉ ký hợp đồng thời vụ; một số trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn lại chuyển sang ký hợp đồng có thời hạn để trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Bà Lê Ngọc Thùy Trang – Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp - khi được Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân yêu cầu có ý kiến về vụ việc lương giám đốc gần 2,7 tỉ đồng/năm - cho biết, căn cứ theo Quyết định 50, Quyết định 51 thì việc chia quỹ tiền lương của người lao động cho ban điều hành là sai.

Nghiêm trị

Khi đề cập đến vụ lương giám đốc gần 2,7 tỉ đồng/năm, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho rằng: “Lương công nhân có giảm thật, giảm của công nhân, lương giám đốc ban quản lý không giảm. Truy ra thì mấy ổng nói tiền do mấy ổng làm ra, không đụng đến ngân sách, nếu giỏi vậy thì cần gì nhờ đến ngân sách. Hôm nay tôi nói thẳng, bớt lương, thu nhập của công nhân làm giàu cho lãnh đạo, thành phố sẽ chỉ đạo trị đến nơi đến chốn.

Như vậy là sai chế độ chính sách, về quan điểm. Nếu không phải doanh nghiệp nhà nước, làm thử xem có lời được như vậy không? Sắp tới, chỉ đạo tổng kiểm tra quỹ lương các doanh nghiệp nhà nước. Có đơn vị quỹ lương thành phố duyệt chỉ có hơn 1 tỉ, nhưng dám chi hơn 4 tỉ đồng. Cuộc họp nào UBND cũng nhắc nhở, sai vẫn sai”.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đã trao đổi với một số phóng viên về vụ lương giám đốc gần 2,7 tỉ đồng/năm. Theo ông Lê Hoàng Quân: “Một năm trước, tôi có nghe thông tin lương của một giám đốc 36 triệu đồng/tháng, tôi đã chỉ đạo kiểm tra. Ông giám đốc này đã làm đơn thưa lên Thành ủy và cho rằng, vì chỉ đạo của tôi mà làm cho thu nhập của người lao động bị giảm. Thực tế là lương của người lao động có giảm, trong khi lương của ban điều hành thì không. Cũng nhờ kiểm tra mà lòi ra việc này”.
 
Trả lời về hướng xử lý vụ việc, ông Lê Hoàng Quân cho biết: “Tôi đã chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính phối hợp kiểm tra xử lý. Mặc dù lãnh đạo những đơn vị này có sáng kiến để làm tăng thu nhập, nhưng thu nhập như thế nào cho thích đáng, chứ trong trường hợp này là quá đáng, khó chấp nhận được. Sau đó, sẽ thu hồi số tiền vượt quá để điều tiết lại cho người lao động”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng khởi tố vụ án vì cố ý làm trái..., Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho rằng, quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm, hiện giờ thành phố đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng xử lý, tùy vào tính chất và mức độ nghiêm trọng mà xử lý, giờ chưa thể nói trước. Ông Lê Hoàng Quân cũng cho rằng:  Vụ việc nói trên cũng là “một biểu hiện của sự suy thoái đạo đức". Tuy nhiên, xử lý thế nào thì "phải dựa vào quy trình và thành phố sẽ nghiêm trị vụ này”.
 

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật Tín Nghĩa, Đoàn luật sư TPHCM:

Có dấu hiệu vi phạm hình sự. Các DN trên là những Cty TNHH MTV do Nhà nước cấp vốn và hoạt động công ích, đồng thời cũng được Nhà nước cho phép hoạt động kinh doanh. Do đó, có thể coi các DN này là tài sản của Nhà nước, lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh cũng là tài sản của Nhà nước.

Các DN này phải tổ chức hoạt động kinh doanh và quản lý lao động, chi trả tiền lương phải theo quy định pháp luật. Cụ thể là trong quản lý lao động, chi trả tiền lương phải thực hiện theo Nghị định 205/2004 NĐ-CP và Nghị định 206/2004/NĐ-CP. Tại các nghị định này đã khống chế mức lương trần, do đó DN không được chi trả lương vượt quy định. Có đại diện DN cho rằng, tổng quỹ lương của công ty không đá đụng một đồng nào của ngân sách, mà từ kết quả của các hợp đồng kinh tế công ty làm được. Nhưng dù là tổng quỹ lương do công ty tự kinh doanh thì cũng là lãi từ nguồn vốn do Nhà nước cấp, nên đó cũng là tài sản của Nhà nước, được giao cho DN quản lý, trong đó lãnh đạo DN chịu trách nhiệm chính.

Nếu có cơ sở xác định được lãnh đạo các DN đã tự chia chác lương “khủng” để thu lợi cá nhân sai so với quy định của Nhà nước và họ đã biết các quy định mà cố tình vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước là có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Cụ thể, có dấu hiệu vi phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS); hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng thiệt hại tài sản của Nhà nước là có dấu hiệu vi phạm hình sự, tội tham ô tài sản (Điều 278 BLHS). N.Dương

Nguồn tin: Lao động

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập129
  • Hôm nay5,669
  • Tháng hiện tại53,167
  • Tổng lượt truy cập41,233,768
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây