Nhằm đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả, thiết thực cũng như đề xuất các giải pháp công nghệ để nâng cao ATGT, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của môtô và xe máy, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm an toàn giao thông cho người đi môtô, xe máy”. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, xe máy hiện đang chiếm trên 85% tổng phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước và là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam. Do xe máy có nhiều công năng phù hợp với đường sá, túi tiền, nhu cầu và sức khoẻ của người Việt Nam. Nhưng xe máy đang là phương tiện đứng đầu bảng về nguy cơ TNGT, theo thống kê hiện TNGT đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn đường bộ.

Theo đánh giá của ông David Spice - Trưởng đoàn nghiên cứu của WB, các chuyên gia của WB - đã phỏng vấn gần 6.000 người dân ở Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về hiện trạng sở hữu và sử dụng xe máy của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người dân Hà Nội có đặc tính sở hữu, sử dụng xe máy rất bền vững, ít sự sẵn lòng thay đổi hành vi đi lại mặc dù lo ngại về an toàn và các điều kiện môi trường. Như vấn đề an toàn, các chuyên gia của WB cho biết người đi xe máy đánh giá sự an toàn là vấn đề quan trọng với 95% số người được hỏi đội MBH. Thế nhưng, chỉ có 26% (khoảng ¼) trẻ em dưới 16 tuổi đội MBH.

Cũng theo ông David Spice, có hai lý do chính để WB thực hiện nghiên cứu này. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã dành khá nhiều nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố lớn và thứ hai, cách người dân đi lại trên đường có thể được cải thiện nhiều hơn, tốt hơn cho mọi người. Thông qua nghiên cứu, được biết rất nhiều người dân muốn chuyển sang phương tiện vận tải công cộng nếu như nó đủ tốt, nhưng nếu cứ giữ như hiện nay sẽ rất khó khuyến khích họ từ bỏ xe máy để chuyển sang phương tiện khác. Trong khi đó, chỉ có khoảng ¼ trẻ em dưới 16 tuổi khi lưu thông bằng xe gắn máy trên đường được đội MBH. Đây là điều rất nghiêm trọng và cần có giải pháp mạnh mẽ để khuyến khích đội MBH.

Nâng cao năng lực quản lý

Được biết, năm 2013 TNGT khu vực đô thị chiếm tới 42%, nhưng đến thời điểm này của năm 2014 chỉ còn 32%. Như vậy, phần lớn các vụ TNGT diễn ra tại khu vực nông thôn và các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu là do người điều khiển xe gắn máy. Trong những năm gần đây KTXH phát triển là điều kiện để thị trường xe gắn máy bùng nổ. Cùng đó, hệ thống đường giao thông đã được cải thiện từ đường đất thành đường bêtông và trải nhựa nhưng chưa theo một tiêu chuẩn nhất định. Đặc biệt là tại các tuyến đường giao thông nông thôn không có biển báo, trong khi đó có nhiều khúc cua gấp và khuất tầm nhìn do nhà ở và cây cối che chắn dẫn đến TNGT tăng. Việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân ở khu vực nông thôn còn thấp, tình trạng người điều khiển xe máy không đội MBH vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, lực lượng CSGT số lượng ít, chỉ tập trung xử phạt mà chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền đến người dân.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia - thì uỷ ban đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm số nạn nhân bị thương, tử vong vì TNGT, đặc biệt là kỹ năng sơ cấp cứu ở địa phương nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, năm 2015, công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu người bị TNGT tại địa bàn nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban ATGT Quốc gia. Để thực hiện tốt các giải pháp trên, cần có những giải pháp về mặt tâm lý thông qua giáo dục và truyền thông, thay vì tập trung vào các giải pháp khác. Bởi, việc kỳ vọng người tham gia giao thông bằng xe máy nói riêng và người tham gia giao thông thay đổi thói quen phải kiên trì và bền vững.

Cùng đó, WB cũng đưa ra khuyến nghị là cần tập trung vào việc quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu. Vì qua nghiên cứu việc sử dụng ôtô, xe máy tăng thêm mới gây ra vấn đề giao thông ở Hà Nội, chứ không phải do sự gia tăng sở hữu phương tiện. Cụ thể, số kilômét trung bình mà một phương tiện đi được giảm xuống khi số phương tiện/người trong hộ gia đình tăng lên. Nếu số xe máy trong hộ gia đình giảm đi, các xe còn lại sẽ được sử dụng nhiều hơn. Do vậy, chuyên gia của WB cho rằng không hạn chế sở hữu phương tiện nhưng phải tạo điều kiện khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý đối với những chuyến đi hợp lý.