Ngày 23-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Không để khoảng trống pháp lý
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1-7, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Chính phủ cũng xem xét và thảo luận về các dự thảo nghị định của Chính phủ liên quan đến các luật khác có hiệu lực từ ngày 1-7, như: Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và thi hành Luật An toàn thông tin mạng về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Dự thảo Nghị định quy định về đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa…
Trình bày báo cáo tổng hợp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1-7. Theo đó, đến nay đã ban hành 21 văn bản và còn 30 văn bản phải ban hành. Trong đó, số văn bản đã trình Chính phủ là 26, số chưa trình là 4. Với các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đến nay đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành.
Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận các dự thảo nghị định liên quan đến nhiều thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; điều kiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông, điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; điều kiện để hoạt động kinh doanh các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vềan ninh trật tự…
Bộ trưởng phải “gánh” trách nhiệm
Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ với quan điểm Chính phủ kiến tạo, công tác xây dựng thể chế có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản. “Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng nhà nước cần quản lý các mặt trái của kinh tế thị trường, nếu sẽ dễ bị lạm dụng. “Không để “khoảng trống pháp lý” nhưng không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các bộ phối hợp chặt chẽ, khi gặp vấn đề khó thì cùng trao đổi, tranh luận trực tiếp và tập trung đôn đốc. “Nếu cứ giấy tờ qua lại mãi thì không ra vấn đề được” - Thủ tướng ghi nhận.
Lưu ý việc thời gian qua, báo chí còn phản ánh chỗ này, chỗ khác gây phiền hà, khó khăn, nhiêu khê, Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con bất hợp lý và đặc biệt không đặt ra các quy định mới gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Quy định đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phải vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước. Đổi mới, cải cách mạnh mẽ để giải phóng sức sản xuất nhưng cũng cần tăng cường quản lý, tránh sơ hở, không để bị lạm dụng cũng như bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng nên cần xem xét vận dụng phù hợp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ vào nghị định mới. Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải có trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. “Chính phủ kiến tạo thì xây dựng thể chế là nhiệm vụ số một” - Thủ tướng nêu rõ.
Cần quyết liệt vào cuộc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là Viện Quản lý kinh tế trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần quyết liệt vào cuộc, cùng các bộ - ngành rà soát những điều bất cập của luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Nguồn tin: NLĐ Online