Mạn tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm nứt toác - Ảnh: Dân trí
Ngày 27-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu cá Trung Quốc cản trở và đâm hỏng tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
“Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Lương Thanh Nghị cho biết, ngay sau khi có xác minh của các cơ quan chức năng về việc các tàu cá cản trở và đâm hỏng tàu cá Việt Nam, ngày 26-5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam”.
Theo ông Lương Thanh Nghị, hành động trên cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển.
Trước đó, ngày 20-5, tàu cá số hiệu QNg 90917 TS của tỉnh Quảng Ngãi cùng 15 ngư dân đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đã bị các tàu của Trung Quốc ngăn cản.
Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 đã đâm thẳng vào tàu cá QNg 90917 TS gây hỏng mạn tàu, đe dọa tính mạng của ngư dân trên tàu.
Trước vụ việc nghiêm trọng mới này, ngày 20-3 vừa qua, tàu tuần tra Trung Quốc đã truy đuổi trái phép, nổ súng bắn cháy cabin tàu cá QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi có 9 ngư dân đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đầu tháng 5 này, Trung Quốc cũng đã xua đội tàu cá quy mô lớn gồm 32 tàu ra ngư trường tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt thủy sản trái phép.
VN PHẢI XỬ NẶNG KẺ XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN ĐỂ BẢO VỆ NGƯ DÂN ĐÁNH CÁ VÙNG BIỂN ĐÔNG Trước đây đã có nhiều lần tàu lạ đã đâm tàu đánh cá của ngư dân rồi bỏ đi, mà không vớt các ngư dân mặc cho họ sống chết ra sao ngoài biển khơi, đây là một hành động cố ý có mục đích không mang tính nhân văn, chúng ta không thể nào chấp nhận được. Các cơ quan chức năng đã điều tra nhưng không rõ tàu của nước nào, nhưng đến nay chính thức các tàu cá Trung quốc ngang nhiên liên tục đâm vào tàu đánh cá của ngư dân Việt nam ở các tỉnh ven biển miền trung, đây là sự thiệt hại lớn đối với ngư dân nước ta. Đề nghị nhà nước, các cơ quan có chức năng như Lực lượng cảnh sát biển, Biên phòng cần có phương án để bảo vệ ngư dân nước ta. Để có thể bảo vệ được ngư dân, đề nghị Nhà nước cấp trang bị cho Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh và Lực lượng cảnh sát biển, tàu vỏ sắt công suất 3.000 CV để bảo vệ biển và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đồng thời kiến nghị nhà nước hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ sắt có công suất lớn để thành lập những tập đoàn đánh bắt hiện đại. Nếu đã xác định được con tàu ở nước nào, thì yêu cầu chính quyền của nước đó phải chịu trách nhiệm vấn đề này. Ngoài việc bồi thường tính mạng và tài sản của ngư dân bị thiệt hại, yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc các thủy thủ và thuyền trưởng trên chiếc tàu này theo quy định của pháp luật Việt nam. Từ xưa đến nay Trung quốc nói một đằng làm một nẻo, khi ngoại giao thì nói là tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng khi thực hiện thì hành động ngược lại xua tàu đánh cá và tàu hải giám vào các khu vực thuộc chủ quyền của nước khác.Gặp phải nước mạnh như Nga có những biện pháp kiên quyết cần thiết bắt tạm giữ tàu và người vi phạm đưa ra khởi tố xét xử theo luật pháp của nước sở tại thì Trung quốc nhúng nhường, còn các nước yếu hơn mình thì hùng hổ cho rằng các nước vi phạm chủ quyền. Nếu Trung quốc vẫn cố tình không tôn trọng luật pháp Để từng bước giải quyết tranh chấp vùng biển đông, hai nước Việt nam và Philippines nên cùng đưa ra Toà án quốc tế về luật biển để giải quyết tranh chấp vùng biển đông của hai nước, ranh giới xác định cụ thể để được luật pháp quốc tế công nhận. Sau khi được Tòa án quốc tế về luật biển phán quyết, thì đây cũng là cơ sở pháp lý để sau này giải quyết tranh chấp vùng biển đông với Trung quốc. MINH TRÍ