Yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ ba - 30/07/2013 10:29 1.554 0
Ngày 29-7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DNNN rà soát các quyết định đầu tư, góp vốn mở rộng kinh doanh; không đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn nhà nước; kiên quyết cắt giảm, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, không cần thiết; nghiên cứu các giải pháp và lộ trình để khẩn trương thoái vốn đã đầu tư vào các ngành nghề khác; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư của các chủ đầu tư và công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng; thực hiện nghiêm túc công tác công khai việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước...

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, DNNN rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, tiêu chuẩn về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ; đồng thời, rà soát, sắp xếp lại cơ cấu cán bộ quản lý, chủ chốt, bảo đảm gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả, đúng số lượng; bảo đảm công khai, dân chủ trong tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ... Kiên quyết xử lý kỷ luật, miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những cán bộ, lao động có hành vi không tiết kiệm, gây lãng phí; kiên quyết xử lý các trường hợp trả lương, thưởng không đúng đối tượng, không gắn với năng suất lao động và kết quả sản xuất, kinh doanh...

Triển khai chương trình UN - REDD giai đoạn II tại Việt Nam

Ngày 29-7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên hợp quốc ký kết triển khai giai đoạn II chương trình UN - REDD Việt Nam. Ðược Chính phủ Na Uy tài trợ, chương trình UN - REDD giai đoạn II sẽ triển khai ở các tỉnh Bắc Cạn, Lâm Ðồng, Cà Mau, Bình Thuận, Lào Cai và Hà Tĩnh từ nay đến năm 2015. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong 47 nước đối tác của UN - REDD triển khai giai đoạn II với kinh phí đầu tư không hoàn lại khoảng 30 triệu USD để giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện quản lý rừng và tăng hiệu quả sử dụng đất. Chương trình có mục tiêu tăng diện tích bao phủ rừng ở Việt Nam lên 45% vào năm 2020 và đối phó hiệu quả với các hiện tượng biến đổi khí hậu.

Ðầu tư 1,65 triệu USD chi trả dịch vụ môi trường rừng

Ngày 29-7, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) đã ký Biên bản ghi nhớ tài trợ cho dự án "Tăng cường thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam". Ðây là dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm thúc đẩy triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2014 đến 2016, với tổng vốn đầu tư là 1.650.000 USD, trong đó cam kết tài trợ không hoàn lại từ Quỹ giảm nghèo Nhật Bản (JFPR) ủy thác qua ADB là 1.500.000 USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 150.000 USD.

Bảy tháng, cả nước thu hút 11,91 tỷ USD vốn FDI

Ngày 29-7, Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết, bảy tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là 11,91 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, có 677 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 6,92 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012 và 266 lượt dự án FDI đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,99 tỷ USD, tăng 36,2%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều nhất sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 315 dự án FDI đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,44 tỷ USD, chiếm 87,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa.

Bảy tháng qua, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 6,65 tỷ USD, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2012.

Giá lúa tăng trở lại

Sau thời gian dài trầm lắng, những ngày gần đây thị trường lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) bắt đầu nóng trở lại, giao dịch mua và bán sôi động hẳn lên, giá lúa tăng từ 400 đến 500 đồng/kg. Hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt giá dao động khoảng 4.300 đến 4.500 đồng/kg; lúa hạt dài các loại như OM 6976, OM 5451, OM 4218 giá 4.700 đến 4.800 đồng/kg. Với mức giá này nông dân trồng lúa có lãi khoảng 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nhiều nông dân không còn lúa vì đã bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch vào thời điểm giá thấp. Giá lúa gạo tăng trở lại là do thị trường xuất khẩu đang ấm dần lên, giá xuất được điều chỉnh tăng.

VietJetAir tăng chuyến đường bay TP Hồ Chí Minh - Huế

Ngày 29-7, hãng hàng không VietJetAir cho biết: nhân sự kiện sân bay Phú Bài (Huế) mở cửa trở lại sau thời gian nâng cấp, VietJetAir thực hiện tăng chuyến đường bay kết nối TP Hồ Chí Minh với cố đô Huế lên hai chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Theo đó, từ ngày 20-9, đường bay TP Hồ Chí Minh - Huế sẽ được VietJetAir khai thác mỗi ngày hai chuyến bằng máy bay Airbus A320 mới, hiện đại, với sức chứa 180 hành khách. Vé máy bay được VietJetAir mở bán từ 21 giờ ngày 18-7-2013.

Tập đoàn Prudential trao đồ dùng học tập tặng trẻ em khó khăn

Ngày 28-7, Tập đoàn Prudential Vương quốc Anh (Prudential) phối hợp Tổ chức trẻ em Rồng Xanh trao sách vở và cặp sách tặng 730 học sinh nghèo của tỉnh Bắc Ninh. Ðể thực hiện chương trình này, Prudential đã tài trợ 22.100 USD thông qua Tổ chức Rồng Xanh để cung cấp sách giáo khoa và cặp sách cho 1.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 730 học sinh tại tỉnh Bắc Ninh và 270 học sinh tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài cung cấp trang thiết bị học tập trên, Prudential còn tài trợ sách cho thư viện của bốn trường tại Bắc Ninh, tài trợ cho hoạt động hỗ trợ pháp lý giúp các em cơ hội được trở lại học tập bình thường.

Theo Nhân dân điện tử

yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,526
  • Tháng hiện tại100,078
  • Tổng lượt truy cập41,618,888
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây