Chiều ngày 7/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước và trực tiếp tại trụ sở Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham gia Hội nghị có đại diện đến từ Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành cùng với các đơn vị tài chính địa phương tại các điểm cầu trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính; Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và sự tham dự của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt
Nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2022 được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận từ xung đột vũ trang Nga và Ukraine, giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng cao, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sạt lở đất,... ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác tài chính NSNN,
trong đó đáng chú ý là công tác thu NSNN và kịp thời ban hành các văn bản hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế. Ảnh HT
Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, ngay từ đầu năm ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra; điều hành chính sách tài khóa chủ động, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quyết liệt thu, chi ngân sách kịp thời ứng phó với thiên tai dịch bệnh, ổn định đời sống xã hội; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; giá cả, thị trường cơ bản được kiểm soát; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, giữ ổn định kinh tế Việt Nam, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành 15/18 đề án nhiệm vụ được giao. Đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình: (i) Chính phủ ban hành 09 Nghị định, xem xét ban hành 09 dự thảo Nghị định và 09 đề án khác; (ii) Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định, xem xét ban hành 01 Quyết định; (iii) ban hành theo thẩm quyền 37 Thông tư.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách. Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (theo trình tự, thủ tục rút gọn), áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Đối với nhiệm vụ thu NSNN, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý thu; xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Lũy kế đến hết tháng 6, thu NSNN ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, trong đó: thu nội địa đạt 63,6%, thu từ dầu thô đạt 125,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,4% dự toán. Theo phân cấp, thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán.
Thu NSNN đạt tiến độ khá
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền các chính sách về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2030; (giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025); chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
Đảm bảo nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh
Để có nguồn lực hỗ trợ cho người dân vượt khỏi đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm, cắt giảm và nguồn còn lại của NSTW năm 2021, trong đó 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình; chuyển 15,6 nghìn tỷ đồng các nguồn kinh phí còn lại của NSTW năm 2021 sang năm 2022 để mua vắc-xin phòng Covid-19 (6,99 nghìn tỷ đồng), chi cho công tác phòng, chống dịch (8,6 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, đến hết tháng 6/2022 nguồn Quỹ vắc-xin còn dư khoảng gần 1,5 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP yêu cầu cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 6 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội cho nhân dân. Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.
Cân đối NSTW và NSĐP các cấp được đảm bảo. Tính đến hết ngày 30/6/2022, cả nước đã thực hiện phát hành 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,75 năm, lãi suất bình quân 2,45%/năm.
Đồng thời, Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững. Trong 6 tháng qua, những kết quả tích cực từ phát triển kinh tế -xã hội, tài chính – NSNN đã giúp củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Tổ chức S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định” và là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm trong 6 tháng đầu năm.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, ổn định đười sống của người dân; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; tăng cường công tác quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và công ty đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh HT
Thị trường bảo hiểm có nhiều khởi sắc, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm tăng 14,25% so với cùng kỳ năm 2021; tổng tài sản tăng 21,17%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 23,24%; chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 10,32% so cùng kỳ năm 2021. Trong kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và dự thảo Đề án chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030.
Bộ Tài chính đã chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, bám sát tình hình thực tế, xây dựng các kịch bản, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, địa phương tăng cường quản lý giá chặt chẽ, kiểm soát lạm phát, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành, bình ổn giá để kiểm soát lạm phát mục tiêu. Bên cạnh đó, đã kịp thời trình cấp thẩm quyền ban hành các giải pháp kiểm soát tốc độ tăng giá xăng dầu và một số mặt hàng bình ổn giá.
Đồng thời, để giảm áp lực tăng giá các mặt hàng xăng, dầu, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, ngày 04/7/2022, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 244/TTr-CP trình UBTV Quốc hội về dự án Nghị quyết. Trước đề xuất của Chính phủ, sáng ngày 6/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thông qua Nghị quyết về mức bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, UBTV Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.
Đánh giá về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc triển khai công tác thu đạt hiệu quả rất tích cực, đạt 66% so với dự toán, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Công tác triển khai hóa đơn điện tử hoàn thành 100% theo tiến độ là một kết quả đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm. Công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp pháp luật rất khẩn trương, kịp thời như đối với Nghị quyết 43 về chương trình phục hồi kinh tế, sau 18 ngày đã có Nghị định 15 và 6 Nghị định khác giúp cho nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Những giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm
Chia sẻ về nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nhiệm vụ của ngành Tài chính khá nặng nề vì yêu cầu giảm thuế nhưng vẫn phải cân đối được thu ngân sách. Để hoàn thành kế hoạch được giao đòi hỏi ngành Tài chính phải nỗ lực xây dựng và sửa các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tế; Đồng thời, xây dựng các kịch bản điều hành toàn diện. Trong đó, quyết tâm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền và phối hợp với các Bộ, ngành để thúc đẩy nền kinh tế phát triển…
Với mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, để đạt được mức tăng trưởng cả năm 6,5%, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung vào các tiêu điểm sau:
Thứ nhất, triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra;
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2022; phấn đấu thu vượt mức dự toán Quốc hội quyết định; tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn để có giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán Quốc hội giao;
Thứ tư, điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ năm, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu và giảm áp lực chi NSNN;
Thứ sáu, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế;
Thứ bảy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch;
Thứ tám, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán;
Cuối cùng, Bộ Tài chính tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2023-2025./.
Tác giả bài viết: Thanh Tú
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.