Những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật sau 10 năm thành lập tỉnh

Thứ ba - 11/03/2014 23:30 2.979 0
Sau 10 năm thành lập, diện mạo tỉnh Đắk Nông đã có nhiều thay đổi, khởi sắc, kinh tế đang trên đà phát triển tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh; hạ tầng kinh tế- xã hội được cải thiện, đời sống nhân dân được nâng cao, an ninh chính trị ổn định, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
 
 1. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá và ổn định: Trong giai đoạn 2000 - 2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn chỉ đạt mức 7,3%/năm, nhưng trong 10 năm qua (2004-2013) tốc độ tăng trưởng kinh tế đã vượt lên 14,04%/năm. Trong đó, giai đoạn (2004-2010) đạt 14,75%/năm; 3 năm gần đây (2011-2013), mặc dù chịu nhiều tác động từ suy thoái kinh tế trong nước và quốc tế nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trung bình 12,39%/năm. Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng liên tục qua các năm, từ 4,456 triệu đồng/người năm 2004 lên 31,439 triệu đồng/người vào năm 2013, tăng gấp 7 lần.
Cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực, năm 2004 nền kinh tế chủ yếu là thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 62,86%, đến năm 2013 khu vực nông nghiệp đã giảm xuống còn 54,87%, khu vực phi nông nghiệp đã tăng lên 45,13%, trong đó công nghiệp xây dựng chiếm 21,78%, dịch vụ chiếm 23,35%.
2. Hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, lưu chuyển hàng hóa tăng cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và đời sống của nhân dân: Sự phát triển mạnh, ổn định của kinh tế, gắn liền với sự gia tăng về số lượng và quy mô các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư theo chiều sâu, mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị, phương thức sản xuất kinh doanh theo yêu cầu thị trường, đã đem lại hiệu quả cao. Khi thành lập, toàn tỉnh chỉ có hơn 150 doanh nghiệp, đến nay có 2.363 doanh nghiệp, chi nhánh (1.875 doanh nghiệp và 488 đơn vị trực thuộc) thuộc các thành phần kinh tế, với vốn đăng ký 12.986 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng sôi động và phát triển, thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tổng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa tăng đều hàng năm, đến năm 2013 đạt 9.240 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với năm 2004. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, năm 2004 kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức 49,86 triệu USD, đến năm 2013 kim ngạch xuất khẩu đạt 477,8 triệu USD, tăng 9,6 lần. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng, nhất là hoạt động bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ tư vấn, dịch vụ ngân hàng,…đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
3. Huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, gắn liền với đảm bảo quốc phòng an ninh: Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt, tạo ra nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện để thu hút và triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần cho việc thay đổi diện mạo cảnh quan và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Những năm qua, nhờ có chủ trương, chính sách thu hút đầu tư hợp lý nên môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi và hấp dẫn. Hoạt động đối ngoại được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đến nay có 04 quốc gia và 06 tổ chức, định chế tài chính quốc tế gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, CHLB Đức, JICA, WB, ADB, IFAD, SIDA, Quỹ Toàn cầu, GTZ...có mối quan hệ thường xuyên với tỉnh. Mối quan hệ đặc biệt giữa tỉnh Đắk Nông với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Mondulkiril – Vương quốc Campuchia được củng cố và mở rộng. Đến nay, tỉnh ta đã thu hút được 24 dự án ODA, với tổng số vốn đăng ký là 2.674 tỷ đồng; 9 dự án FDI, vốn đăng ký 34,29 triệu USD và 10 dự án NGO, vốn đăng ký 1,58 triệu USD. Các nguồn vốn ODA, FDI và NGO đã đóng góp nguồn lực không nhỏ để xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào thiểu số, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
Dự kiến đến hết năm 2013, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa được nâng lên: đường tỉnh được nhựa hóa từ 45% năm 2004 lên 92%; đường huyện từ 15% lên 71%; có 50 buôn bon được làm đường nhựa, bê tông xi măng, nâng tổng số buôn bon có từ 1-2 km đường nhựa, bê tông xi măng lên 97/139 buôn, bon đạt tỷ lệ 70%; đầu tư nâng cấp, mở rộng được 26 km đường quốc lộ qua thị trấn các huyện, thị xã Gia Nghĩa đạt tiêu chuẩn quy mô đường đô thị; đáp ứng 60% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; 93% hộ được sử dụng điện; 100% thôn, bon/buôn có điện lưới quốc gia…
 
 4. Lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao được quan tâm, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất: Các thiết chế vǎn hóa, thể dục thể thao của tỉnh như: Trung tâm Văn hóa, Tượng đài N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên, Nhà tập luyện và thi đấu thể thao, Sân vận động,… và thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được đầu tư, nâng cấp; hoàn thiện các thể chế, xây dựng chính sách, bước đầu đã thu hút được các nguồn lực của xã hội để đầu tư cơ sở tập luyện và thi đấu thể thao, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển văn hóa, thể dục thể thao ở cơ sở.
5. Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp từ mầm non, tiểu học đến trung học phổ thông và dạy nghề: Năm học 2012-2013, toàn tỉnh Đăk Nông từ bậc mầm non đến trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên có 359 trường, tăng gấp 2 lần so với năm học 2003-2004; trong đó, có 68 trường đạt chuẩn quốc gia. Các điểm trường lẻ của hệ thống trường tiểu học đã được mở rộng đến các điểm dân cư, không còn tình trạng học ca ba; hệ thống các trường dạy nghề được hình thành và phát triển đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho nền kinh tế. Đến nay, hầu hết giáo viên các cấp học đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Công tác đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được chú trọng.
6. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Bảo hiểm y tế được mở rộng đến khoảng gần 61% dân số. Các chỉ số sức khỏe cộng đồng được nâng lên. Công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện, nhiều dịch bệnh hiểm nghèo trước đây đã được thanh toán hoặc khống chế. Tập trung nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cấp hệ thống khám chữa bệnh trên toàn tỉnh, hoàn thành Bệnh viện đa khoa tỉnh mới quy mô 300 giường bệnh theo hướng hiện đại; đầu tư mở rộng, nâng cấp các bệnh viện huyện theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Dự kiến đến hết năm 2013, tỷ lệ xã, phường có trạm y tế là 74,6%, trong đó tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia là 15%; đạt tỷ lệ 5,7 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 22,8%; đạt 16 giường bệnh/vạn dân; bước đầu đã thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế.
7. Hoạt động khoa học và công nghệ có bước tiến đáng ghi nhận. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; tiếp thu, làm chủ và ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới, nhất là trong các lĩnh vực lai tạo, thử nhiệm một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao,... thúc đẩy tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả chung của nền kinh tế. Một số mô hình sản xuất tiên tiến và nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được đưa vào ứng dụng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Một số kỹ thuật tiến bộ được ứng dụng thành công, từng bước tạo môi trường cạnh tranh và phát huy được tiềm năng sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ; tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển ứng dụng kết quả nghiên cứu vào kinh tế, đời sống xã hội, văn hoá, giáo dục.
8. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc. Trong những năm qua, các dự án, chương trình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần to lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống nhân dân của địa phương.
Nhờ làm tốt chính sách dân tộc và tôn giáo, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã củng cố được lòng tin, sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào các dân tộc, các tín đồ tôn giáo, qua đó, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, địa phương luôn quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết vấn đề đói nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
9. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển sản xuất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước; xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương: Sự công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp đã được quan tâm thực hiện. Việc áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đã bước đầu nâng cao năng lực của nền hành chính; thủ tục hành chính được rà soát, sửa đổi thực hiện cơ chế một cửa liên thông ở các cơ quan hành chính. Việc triển khai các nhóm giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Đảng bộ, Chính quyền chỉ đạo quyết liệt, nhờ đó chỉ số PCI của tỉnh qua các năm liên tục được cải thiện, vươn lên nhóm khá. Nếu như năm 2007, Đắk Nông giữ vị trí cuối bảng xếp hạng PCI so với cả nước, thì đến năm 2012 đã vượt lên vị trí thứ 48/63 tỉnh, thành phố.
10. Quốc phòng - an ninh của tỉnh cũng được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, qua đó an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nắm bắt, tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp; kiềm chế tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, an ninh chính trị - kinh tế - văn hóa – tư tưởng được đảm bảo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong xã hội, để thực hiện âm mưu, bạo loạn, lật đổ, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, vượt biên, xâm nhập trái phép.
Công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng, các hoạt động đối ngoại được tăng cường, các hoạt động đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp trong tỉnh có bước đổi mới, chất lượng được nâng lên. 
 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ X đã xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2011-2015 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị xã hội. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội và đô thị hạt nhân, thu hút đầu tư; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng, công nghiệp chế biến và nông nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ và du lịch; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng của các dân tộc…”. Với tiêu chí trên, trong những năm qua và các năm tiếp theo tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực cho sự phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tối đa và sẽ đồng hành cùng với các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Đắk Nông.
Nhìn lại chặng đường sau 10 năm thành lập, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, với xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay Đắk Nông đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, các mặt: chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh được bảo đảm và ổn định. Trong đó có những thành tựu rất đáng khích lệ về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội gắn bó chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn lao động và chất lượng lao động, khoa học và công nghệ. Thành tựu đó ngày càng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của đổi mới, khích lệ, động viên nhân dân tiếp tục hưởng ứng, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước với những bước tiến cao hơn. Với những tiềm năng thế mạnh của địa phương, những thành tựu sau 10 năm xây dựng và phát triển, cùng với truyền thống cần cù, chịu khó của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, những giải pháp tích cực trong chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và nhà nước, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục phát triển toàn diện về mọi mặt, tạo sức bật vươn lên mạnh mẽ trong tương lai./.
Nguyễn Ngọc Thạch
TP Quản lý kế hoạch

Nguồn tin: daknongdpi.gov.vn

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,529
  • Tháng hiện tại49,027
  • Tổng lượt truy cập41,229,628
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây