Áp dụng mô hình Vnen ở Đắk Mil

Thứ tư - 18/11/2015 03:47 1.518 0
Thực hiện chủ trương chung của ngành Giáo dục, từ năm học 2015-2016, dựa vào đặc điểm của mình, huyện Đắk Mil đang triển khai nhiều biện pháp phù hợp để ứng dụng có hiệu quả mô hình dạy học mới (Vnen) tại 23 trường tiểu học trên địa bàn.

Có dịp tham dự một tiết học với chủ đề “Em yêu ông bà thế nào?” của học sinh lớp 2, Trường tiểu học Trần Phú ở xã Đắk Lao, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều thú vị. Tiết học không chỉ có học sinh, cô giáo mà còn có cả một số phụ huynh và giáo viên lớp khác cùng dự giờ.

Tiết học theo mô hình Vnen có sự tham dự của phụ huynh ở Trường tiểu học Trần Phú

Cả lớp được chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm gồm 4 em ngồi đối diện nhau. Bắt đầu tiết học là một trò chơi nhỏ do em phụ trách ban văn nghệ điều hành đã làm cho cả lớp rất hứng khởi. Tiếp sau đó, khi giáo viên yêu cầu, học sinh đã tự điều hành các hoạt động theo hướng dẫn. Mặc dù là học sinh lớp 2 nhưng với giọng nói to, rõ ràng, mạch lạc và tự tin, nhóm trưởng các nhóm bắt đầu điều hành các hoạt động như kiểm tra bài cũ, thảo luận nhóm, chia sẻ giữa các nhóm...

Trong quá trình học sinh thảo luận nhóm, giáo viên luôn đi đến từng nhóm để nắm bắt và hỗ trợ khi các em chưa hiểu hoặc hiểu sai vấn đề. Sau mỗi hoạt động, giáo viên sử dụng máy chiếu với những hình ảnh sinh động để củng cố và minh họa thêm cho nội dung bài học.

Qua quan sát, trong suốt buổi học, với những tình huống đặt ra trong bài, hầu như học sinh ở các nhóm đều được phát biểu ít nhất một lần. Điều này khác với những ý kiến của dư luận cho rằng, những em nhút nhát, thụ động khi học theo phương pháp mới sẽ càng nhút nhát, thụ động hơn.

Chị Nguyễn Thị Huyền, một phụ huynh tham dự tiết học cho biết, chị và các phụ huynh khác cũng cảm thấy rất hoang mang khi nghe nói áp dụng mô hình dạy học mới. Nhưng sau một vài lần dự giờ, chị mới thấy cái hay của phương pháp này. Con chị ở nhà nhút nhát nhưng khi học theo mô hình Vnen thì về nhà giao tiếp tự tin hơn. Khi dự giờ, chị cảm tưởng con mình khác hẳn vì cháu mạnh dạn khi phát biểu bài. Cháu còn biết liên hệ thực tế để chia sẻ cho bạn bè về tình cảm của mình đối với ông bà hay những việc làm giúp bố mẹ.

Theo cô Trần Thị Oanh, giáo viên thực hiện tiết dạy thì ban đầu áp dụng mô hình Vnen cũng rất vất vả, nhưng bây giờ thì giáo viên đã “nghiện” cách dạy học mới này. Nhìn thì có vẻ như giáo viên không phải làm gì nhiều vì học sinh tự điều hành.

Tuy nhiên, để có tiết học thành công, giáo viên đã phải chuẩn bị rất kỳ công. Việc phân nhóm phải đảm bảo phân hóa học sinh khá, giỏi ở  các nhóm. Giáo viên hòa nhập, đóng vai là học sinh cùng hoạt động nhóm để hướng dẫn các em cách điều hành, thảo luận, đặt vấn đề và nhận định vấn đề. Điều quan trọng nữa là giáo viên phải làm phiếu giao việc sao cho nhiều học sinh được phát biểu, nhất là những em hay nhút nhát, tự ti. 

Tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Bé ở xã Đắk Sắk, mặc dù điều kiện khó khăn hơn về mọi mặt, nhưng việc áp dụng mô hình Vnen cũng dần đi vào nền nếp.

Chúng tôi đến trường vào một buổi chiều mưa, nhưng lớp học của cô giáo H’Tơm ở cuối dãy vẫn luôn sinh động với các hoạt động nhóm và trò chơi giữa giờ. Lớp học được trang trí nhiều hình ảnh theo từng chủ đề. Khi thảo luận nhóm, lâu lâu lại có nhóm giơ cao “phao cứu trợ”, cô giáo lại nhẹ nhàng giải thích, định hướng cho cả nhóm hiểu được bản chất của vấn đề.

Cô giáo H’Tơm chia sẻ: “Tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều để áp dụng phương pháp dạy học mới sao cho phù hợp với đặc điểm của học sinh lớp mình. Ban đầu, để giúp cho học sinh vừa tiếp cận vừa có thể hiểu bài, tôi đã kết hợp giữa phương pháp dạy học mới và cũ khi cần thiết. Bây giờ thì các em đã có thể tự điều hành tiết học một cách thành thạo. Điều tôi đặc biệt quan tâm là luôn động viên các em mạnh dạn chia sẻ với cô giáo và các bạn khi thực sự không hiểu bài. Sau một thời gian, bây giờ em nào không hiểu bài cũng đều dùng “phao cứu trợ” mà không ngại hay xấu hổ như trước đây nữa”.

Cô giáo H’Tơm hỗ trợ cho học sinh chưa hiểu bài

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk Mil thì ngay từ đầu năm học, huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên ở các trường. Hai trường học đã thực hiện thí điểm trước đây cũng đã hỗ trợ tích cực cho các đơn vị khác trong việc áp dụng mô hình Vnen. Có thể nói, hiện tại, việc áp dụng mô hình Vnen ở các trường tiểu học đã cơ bản đi vào nền nếp.

Nhiều giáo viên hiểu được bản chất, ý nghĩa của phương pháp dạy học mới nên triển khai các tiết học hiệu quả, được phụ huynh đồng tình ủng hộ. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tăng cường sinh hoạt chuyên môn, hỗ trợ và động viên giáo viên áp dụng mô hình Vnen hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục bậc học một cách toàn diện.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,418
  • Tháng hiện tại68,122
  • Tổng lượt truy cập41,352,322
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây