Làm khó nhà đầu tư
Khảo sát môi trường đầu tư tại hàng chục doanh nghiệp ở Ðắk Nông, Tiến sỹ Ðỗ Phú Trần Tình, Trường Ðại học Kinh tế-Luật TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Nói về chính sách đầu tư của tỉnh, hầu hết doanh nghiệp đều đánh giá cao mức độ bao quát và sự linh hoạt. Thế nhưng, nhiều chính sách, cơ chế tỉnh ban hành chỉ nằm “trên giấy”. Ðiển hình như các chính sách ưu đãi về thuế, đất, hỗ trợ nhà đầu tư dường như không triển khai được là bao. Trong quá trình triển khai dự án, thay vì nhà đầu tư chỉ cần “gõ” một cửa ở Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh thì họ phải đến từng sở, ngành mà hỏi… Có nhà đầu tư nhận thấy, lúc vào đầu tư mới thấy sự khác biệt lớn so với những ưu đãi trên giấy tờ nên đành tháo lui, kể cả có doanh nghiệp đã bỏ ra 10 tỷ đồng”.
Đất thuộc dự án nông lâm nghiệp của Công ty Đỉnh Nghệ đầu tư ở huyện Đắk Glong bị dân xâm chiếm |
Nói đến môi trường đầu tư ở Ðắk Nông, ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu An Phong (Ðắk R’lấp) đã nêu những bất cập: “Dù tôi đã ở Ðắk Nông hơn 10 năm trời, nhưng nhiều khi vẫn còn ngỡ ngàng với cách thu hút đầu tư ở đây. Ðơn cử, khi chúng tôi đến Cụm Công nghiệp Thuận An (Ðắk Mil) tìm hiểu dự án đầu tư thì vị giám đốc Ban quản lý nói doanh nghiệp cứ làm dự án trước, còn chi phí đầu tư hạ tầng sẽ tính toán sau?!. Tôi nghĩ, là doanh nghiệp, muốn đầu tư, chắc chắn phải có đầy đủ cơ sở để tính toán chi phí, chuyện lời lỗ rồi mới làm dự án. Ðằng này, với cách làm thờ ơ và thiếu chuyên nghiệp như vậy, liệu ai dám mạo hiểm đầu tư vào đây khi thông tin không rõ ràng?”.
Ðại diện Công ty TNHH Nông nghiệp MJ Việt Nam, đầu tư dự án nông nghiệp chất lượng cao tại huyện Chư Jút than phiền: “Qua hơn 3 năm ở Ðắk Nông, nhưng công ty cũng chẳng hiểu môi trường đầu tư ra sao. Như thông tin được cung cấp ban đầu, khi nhà đầu tư muốn giải quyết vướng mắc, chỉ cần đến Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Ðắk Nông sẽ được hỗ trợ. Thế nhưng, đến khi đã làm dự án rồi, xảy ra vướng mắc thì đến đây, đợi mãi chả thấy ai giải quyết được. Và để không mất nhiều thời gian chờ đợi, doanh nghiệp đành tự đi “gõ” cửa ở tất cả các sở, ngành khi cần. Ngoài ra, nhiều chính sách của tỉnh ban hành cũng không nhất quán trong thực hiện. Như giá thuê đất, trên sổ tay của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đưa cho doanh nghiệp một giá, nhưng ra ngoài thực địa lại cao hơn 2-3 lần… Giá cả đất đai, chi phí đầu tư thay đổi liên tục thì doanh nghiệp không có cơ sở tính toán để đầu tư”.
Tỉnh còn nhiều khuyết điểm, hạn chế
Cũng theo Tiến sỹ Ðỗ Phú Trần Tình, chính vì cách thức giải quyết thủ tục hành chính trong đầu tư ở Ðắk Nông chưa minh bạch đã làm mất đi lợi thuế thu hút đầu tư của tỉnh. Thực tế, một khi nhà đầu tư tốn quá nhiều chi phí thời gian, tiền bạc để lo xử lý giấy tờ thủ tục thì chắc chắn cơ hội triển khai dự án sẽ bị trôi qua.
Tiến sỹ Tình nêu dẫn chứng: “Khác với tỉnh Ðắk Nông, ở các tỉnh Bình Dương, Ðồng Tháp, doanh nghiệp chỉ cần đến Trung tâm Xúc tiến đầu tư nộp hồ sơ, hay kiến nghị bất cứ điều gì đều được. Ngồi ở văn phòng, chủ doanh nghiệp cũng biết được hồ sơ, sổ sách của mình đã chuyển đến cơ quan nào và bao lâu sẽ xong”.
Trước những phân tích của nhà nghiên cứu cũng như phản ánh từ nhiều doanh nghiệp về môi trường đầu tư, phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thử, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Qua một thời gian dài, thực sự giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý vẫn chưa gặp nhau. Nguyên nhân tạo khoảng cách giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý có một phần do ý thức của đội ngũ làm công tác quản lý còn tắc trách, thiếu trách nhiệm. Có rất nhiều cán bộ cấp phòng ở không ít sở, ngành thường hạch sách nhà đầu tư, người dân… Mặt khác, về cơ chế chính sách, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế thì chúng ta lại dàn trải ưu đãi ở nhiều lĩnh vực, dẫn đến tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư chưa cao”.
Giải thích những thắc mắc của nhà đầu tư, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư phản ánh về những hạn chế, khuyết điểm trong thu hút đầu tư. Tỉnh cũng nhìn nhận mình còn nhiều khuyết điểm, hạn chế và đôi khi thiếu trách nhiệm với nhà đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh cũng mong muốn các nhà đầu tư thông cảm, cùng đồng hành với những khó khăn của địa phương để triển khai dự án”.
Ðồng chí Nguyễn Bốn còn chỉ rõ, riêng Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh-đơn vị đầu mối trong thu hút đầu tư của tỉnh, cần tính toán, khảo sát kỹ từng dự án rồi hãy kêu gọi đầu tư. Thay vì công bố nhiều dự án, Trung tâm chỉ cần làm cụ thể, chặt chẽ, chi tiết vài điểm đầu tư có tính khả thi cao là được; đối với các thủ tục đầu tư, nên giảm bớt những văn bản có tính khả thi chưa cao. Trung tâm cũng cần thiết lập lại cơ chế “một cửa” như trước để nhà đầu tư khi đến đây là được giải quyết đầy đủ các thủ tục, vướng mắc liên quan đến việc triển khai dự án.
Bài, ảnh: Công Tính