Theo đó, nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong trồng trọt và chăn nuôi mà tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển tương đối ổn định. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững và khai thác tốt các điều kiện tự nhiên, đất đai, lao động. Huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh có diện tích lớn như vùng trồng lúa nước tập trung, bắp, đậu đỗ các loại, tiêu, cao su…
Năm 2015, diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng đáng kể so với năm 2010 như cây lương thực tăng từ 10.629 ha lên 19.900 ha; lúa 2 vụ tăng từ 494 ha lên 1.200 ha; cây lâu năm tăng từ 6.399 ha lên 11.834 ha.
Công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng, thể hiện qua việc đưa vào ứng dụng có hiệu quả các đề án tái canh cây cà phê, cánh đồng mẫu lớn, giống lúa mới có kiểm định thực tế cho năng suất cao. Các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất đã góp phần nâng sản lượng lương thực từ 70.000 tấn năm 2010 lên 141.712 tấn vào năm 2015.
Nông dân xã Nam Dong (Chư Jút) thu nhập cao từ nghề nuôi rắn |
Chăn nuôi có bước phát triển khá, bình quân hàng năm tăng 10,8%, đưa giá trị chăn nuôi chiếm 15% giá trị ngành nông nghiệp. Thu hút đầu tư được 2 dự án là sản xuất heo giống chất lượng cao và nâng cao chất lượng giống bò thịt Brahman đỏ có hiệu quả…
Dự án nâng cao chất lượng giống bò thịt được triển khai từ năm 2009, với cách thức là lấy bò đực giống Brahman phối với giống bò vàng địa phương. Kết thúc dự án, toàn huyện đã lai tạo được 4.533 con bò lai Brahman F1 và F2 có trọng lượng gấp đôi so với giống bò vàng địa phương, phẩm chất thịt thơm ngon. Giá trị kinh tế bò lai cũng tăng gấp 2 lần so với giống bò vàng địa phương trước đây.
Cụ thể, một con bò vàng địa phương 12 tháng tuổi bán được giá khoảng 10 triệu đồng, trong khi bò lai bán được trên 20 triệu đồng. Từ đây, dự án đã góp phần tăng thu nhập, trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ chăn nuôi bò, từng bước giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Điều đáng nói, dự án đã tạo ra một thế hệ bò lai chất lượng, năng suất cao, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển nghề nuôi bò thịt tại địa phương. Chư Jút cũng trở thành địa phương có “thương hiệu” cung cấp bò giống, bò thịt có uy tín, chất lượng đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Chư Jút đang ngày càng phát huy thế mạnh về chăn nuôi bò thịt |
Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp, việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng từng bước đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12/2014, tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 210,824 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp và các đơn vị khác hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn là 53,026 tỷ đồng, Trung ương 102,238 tỷ đồng, tỉnh và huyện 42,050 tỷ đồng, từ các dự án khác là 13,510 tỷ đồng.
Bên cạnh đó nhân dân còn tự đầu tư khoảng 190 tỷ đồng để xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, khu dân cư. Như vậy, sau hơn 3 năm triển khai, huyện đã có 2 xã là Nam Dong và Tâm Thắng đạt 13/19 tiêu chí; các xã Đắk D’rông, Chư K'nia đạt 11 tiêu chí; các xã Trúc Sơn, Đắk Wil đạt 7 tiêu chí.
Bình quân toàn huyện đạt 10,28 tiêu chí/xã, cao hơn so với bình quân của tỉnh (toàn tỉnh hiện nay là 8,1 tiêu chí/xã). Điển hình như xã Tâm Thắng - xã điểm của tỉnh về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã đầu tư xây dựng được 1,7km đường bê tông, 150m kênh mương và cống thoát nước, 2 hội trường thôn và hội trường UBND xã…
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Chư Jút đã xác định, tiếp tục chú trọng tổ chức cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững cũng như huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới để đến năm 2020 là huyện dẫn đầu của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng chính là một trong những khâu tập trung, đột phá được Đảng bộ huyện lựa chọn để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Hoàng Bảo
Nguồn tin: Báo Đăk Nông