Trưởng buôn Kna, xã Đắk Wil (ngoài cùng bên trái) lồng ghép tuyên truyền cho bà con về tầm quan trọng của việc tham gia học tập |
Các cấp hội khuyến học còn kết hợp chặt chẽ phong trào xây dựng XHHT với các phong trào lớn khác ở địa phương như xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, đưa vào các hương ước, quy ước.... Nhiều thôn, buôn còn đưa các chỉ tiêu của phong trào xây dựng XHHT vào các tiêu chí đánh giá, bình xét các danh hiệu gia đình, thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa...
Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân được nâng cao, thúc đẩy phong trào xây dựng XHHT phát triển. Nhiều gia đình ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã biết quan tâm cho con, cháu đi học đầy đủ.
Chị H’Nghiên ở buôn Kna, xã Đắk Wil tâm sự: “Trước đây, tôi cũng nghĩ chỉ cần cho con học đến tiểu học là được. Nhưng qua thực tế và những lần nói chuyện với già làng, trưởng buôn, tôi mới biết việc học là rất quan trọng. Dù có làm nương rẫy cũng cần có kiến thức, áp dụng các kỹ thuật thì mới có thể làm ăn hiệu quả, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ đó, tôi không bắt con phải nghỉ học đi làm rẫy trong những ngày mùa nữa”.
Còn chị Nông Thị Thái ở thôn 5, xã Ea Pô thì cho biết: “Trước đây, trong thôn chỉ có các cháu lớn đi học, nhưng những năm gần đây, hiểu được tầm quan trọng của việc học nên trẻ cứ đến tuổi là các gia đình đều cho đến trường. Người lớn cũng tích cực tham gia các lớp bổ túc mà không còn ngại ngùng như trước. Cùng với đó, các cấp, ngành cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn những kiến thức như chăm sóc cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, phổ biến pháp luật. Nhờ đó, bà con ở các thôn bây giờ cũng am hiểu nhiều hơn nên rất tích cực trong việc tham gia các phong trào, nhất là xóa mù chữ và cho con em đến trường đầy đủ”.
Trẻ trong độ tuổi trên địa bàn huyện đều được đến trường |
Với sự lan tỏa mạnh của phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng XHHT, hàng năm địa phương đều thu hút số lượng lớn các gia đình đăng ký tham gia xây dựng gia đình hiếu học. Đến nay, Chư Jút là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh về số lượng đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học” với trên 4.000 gia đình.
Bên cạnh đó, việc phát triển số lượng hội viên được chú trọng, thu hút các thành phần, tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, nên không ngừng tăng nhanh. Nếu năm 2011, toàn huyện chỉ có 3.500 hội viên thì đến nay đã tăng lên 25.521 hội viên. Quy mô tổ chức Hội khuyến học cũng được củng cố và phủ đều ở tất cả các xã, thị trấn. Hiện nay, 8/8 xã, thị trấn đều đã có Hội khuyến học với 217 chi hội khuyến học.
Toàn huyện cũng đã thành lập được 28 dòng họ hiếu học và 34 hội đồng hương khuyến học. Qua hoạt động, các dòng họ hiếu học và hội đồng hương khuyến học đã kịp thời động viên, khen thưởng đối với những học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và hạn chế được tình trạng bỏ học giữa chừng.
Theo bà Trần Thị Ninh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Chư Jút thì sự phát triển về số lượng hội viên, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học ở các cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT của huyện ngày càng phát triển và đem lại những hiệu quả thiết thực. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ hơn nữa các giải pháp để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là xây dựng nguồn quỹ hoạt động để tạo động lực cho phong trào phát triển, tạo nhịp cầu cho trẻ khó khăn trên địa bàn học tập trong điều kiện tốt nhất.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Đăk Nông