Hộ anh Nguyễn Văn Dương ở thôn 12, thời gian đầu khi bắt tay vào nuôi heo, do áp dụng phương thức nuôi theo kiểu truyền thống, không nắm bắt được kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Không chịu thất bại, anh tự nghiên cứu, học hỏi qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do địa phương tổ chức, qua đó nắm bắt kiến thức, kỹ thuật vận dụng vào chăm sóc đàn heo của gia đình. Kết quả đàn heo không chỉ phát triển tốt mà còn ít bệnh tật.
Phát triển kinh tế theo hướng trang trại, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Dương có thu nhập gần 1 tỷ đồng |
Hiện nay, mỗi năm gia đình anh luôn duy trì được đàn heo thịt trên 200 con và 30 con heo nái. Không dừng lại ở việc chăn nuôi heo, gia đình anh còn tổ chức sản xuất theo hướng đa canh và bền vững. Sau khi tìm hiểu thị trường nông sản, anh đã mạnh dạn bố trí 5 ha đất thành các khu trồng cà phê, cao su, mía và chuồng trại chăn nuôi heo kết hợp với đào ao thả cá. Với 2,5 ha cà phê, 2 ha cao su, 1 ha mía và 0,4 ha mặt nước nuôi cá, theo ước tính, trừ tất cả mọi chi phí đầu tư sản xuất, gia đình anh có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Anh Dương cho biết: Việc kết hợp đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi trên cùng một trang trại mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình, hạn chế thấp nhất những rủi ro do thời tiết và những biến động của thị trường gây nên. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương.
Trang trại nuôi gà siêu trứng của anh Nguyễn Đình Dần ở thôn 14 cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Được biết, trước đây vì chưa có kinh nghiệm, anh chỉ dám nuôi 1 lứa gà/năm, với mục đích vừa làm, vừa học để xem hiệu quả ra sao rồi mới đầu tư tiếp. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh tốt nên chỉ sau 6 tháng, đàn gà phát triển mạnh và cho thu nhập cao từ việc lấy trứng hàng ngày.
Nhận thấy việc chăn nuôi gà có lợi nhuận khá, anh đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng, tăng đàn hơn 3.000 con. Để không ô nhiễm môi trường, anh còn tận dụng lượng phân gà làm phân bón cà phê và tiêu, nên vườn rẫy luôn xanh tốt. Ngoài ra, tận dụng mặt nước, anh còn đầu tư đào ao thả cá, với diện tích hơn 0,6 sào, nuôi đầy đủ các loại cá như cá lăng, cá trắm, cá mè...
Theo UBND xã Nam Dong thì toàn xã hiện có 12 mô hình phát triển theo hướng trang trại làm ăn có hiệu quả, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/trang trại/năm. Thời gian qua, để khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển hiệu quả theo hướng bền vững, xã đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực tế và tiến hành quy hoạch các khu trang trại tập trung. Đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân về thủ tục, định hướng đầu tư, tranh thủ các dự án của tỉnh, huyện về hỗ trợ phát triển kinh tế.
Cùng với đó, địa phương cũng chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật thú y, mở các lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi để người dân nắm bắt, tìm hiểu. Nhờ vậy, hoạt động kinh tế trang trại trên địa bàn xã ngày càng phát triển, góp phần phát huy các lợi thế địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình ngày càng đi lên.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng
Nguồn tin: Báo Đăk Nông