Báo cáo tình hình hoạt động của các loại hình doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ tư - 10/04/2013 22:22 6.612 0
Báo cáo tình hình hoạt động của các loại hình doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (Báo cáo phục vụ Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2013)

 
 
I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp và hợp tác xã:
Tính đến hết ngày 20 tháng 02 năm 2013 toàn tỉnh có tổng số là 1.754 doanh nghiệp, trong đó có 1.177 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh bằng (theo báo cáo của Cục thuế tỉnh) 61% tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên toàn tỉnh; tổng vốn điều lệ 11.214 tỷ đồng, bình quân 6,3 tỷ đồng/doanh nghiệp, riêng 03 tháng đầu năm 2013 đăng ký thành lập mới là 33 doanh nghiệp bằng 60% so với cùng kỳ năm trước, số vốn đăng ký 101 tỷ đồng, đăng ký giải thể doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp 25 đơn vị.
Đến nay, toàn tỉnh có 141 HTX hoạt động trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Thương mại - Dịch vụ, Vệ sinh môi trường, Tín dụng nhân dân…Trong đó: số HTX đang hoạt động là 72 HTX bằng 51%, tổng số xã viên HTX khoảng 11.400 người và 18.000 lao động, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/năm.
2. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012:
- Tổng doanh thu thuần năm 2012 của các doanh nghiệp đạt 13.652 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh 9.998 tỷ đồng; doanh nghiệp nhà nước 335 tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3.319 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 505 tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách địa phương: Năm 2012, thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trên địa bàn 545,2 tỷ đồng, đóng góp  5,4%GDP và 56,2% tổng thu ngân sách nhà nước.
Nhìn chung các doanh nghiệp dân doanh hoạt động ngày càng có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã có đóng góp cho nguồn thu của Ngân sách nhà nước từ một tỷ đồng/ năm trở lên thông qua chính sách thuế, trong đó điển hình có các doanh nghiệp như: Công ty CP MDF Long Việt, DNTN Toàn Hằng, Công ty CP thuỷ điện Đắk R’tih, Công ty CP Mía đường Đắk Nông…
- Tham gia xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 95%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 5%.
3.  Về đổi mới và sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước:
 Toàn tỉnh hiện nay có 22 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 01 Công ty cổ phần, 21 Công ty TNHH một thành viên.
 - Thực Quyết định số 172/2005/QĐ-TTg, ngày 12/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới các DNNN trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 66/2007/QĐ-TTg, ngày 15/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông-lâm trường quốc doanh trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc đổi mới, sắp xếp 16 Doanh nghiệp.
- Hoàn thành việc chuyển đổi các lâm trường quốc doanh thành các Công ty lâm nghiệp theo Quyết định số 66/2007/QĐ-TTg ngày 15/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ; chuyển thành các Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 25/2010/NĐ-CP là 15 doanh nghiệp.
- Đã tham mưu cho Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp các DNNN của tỉnh trong giai đọan 2012- 2015 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 50/TTg- ĐMDN, ngày 07/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phủ, về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2012-2015 như sau:
  + Đối với các doanh nghiệp duy trì 100% vốn nhà nước gồm:
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết;
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi.
+ Thực hiện cổ phần hoá 03 doanh nghiệp sau:
> Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ:
Công ty TNHH MTV Quản lý sửa chữa xây dựng cầu đường bộ Đắk Nông.
> Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần:
Công ty TNHH MTV Sách và Thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông;
Công ty TNHH MTV Đăng kiểm xe cơ giới.
+ Việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp sẽ được thực hiện sau khi tổng kết Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.
II. Những thuận lợi và khó khăn.
  1. Thuận lợi.
1.1. Về phía chính quyền địa phương:
Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Sở Kế họach và Đầu tư đã phối hợp tốt với các ngành chức năng thực hiện nhanh chóng các thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, được các Sở ngành nhiệt tình ủng hộ nên công tác đăng ký kinh doanh, cấp chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp đã từng bước đổi mới, rút ngắn thời gian thực hiện so với Luật định. Đặc biệt là Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp đã rút ngắn thờ gian xuống còn 05 ngày làm việc cho tất cả các thủ tục thành lập doanh nghiệp so với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 là 10 ngày làm việc.
- Trong những năm qua các cấp chính quyền địa phương đã tích cực trong công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cơ chế một cửa và một cửa liên thông được thực hiện ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh tới xã, phường. Bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến đầu tư, hợp tác với các tỉnh bạn và nước bạn Campuchia được thực hiện, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư như: miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, dạy nghề… cho doanh nghiệp.
- Thực hiện công khai và mẫu hoá các biểu mẫu về lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã giúp cho người dân, doanh nghiệp giảm thiểu thời gian đi lại, nâng cao nhận thức về cải cách hành chính cho người dân khi đến liên hệ công việc tại cơ quan nhà nước.
- Thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo Luật doanh nghiệp 2005, Luật đầu tư năm 2005 và các Nghị định hướng dẫn đã đơn giản và thuận tiện cho doanh nghiệp; thủ tục trao đổi lấy mã số thuế doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xuống còn 5 ngày làm việc.
- Các ngành, các cấp đã bám sát chức năng nhiệm vụ của mình để thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp; tích cực phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hợp tác xã.
- Triển khai công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong kinh doanh, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật.
1.2. Về phía doanh nghiệp:
Mặc dù điều kiện hạ tầng kinh tế và thị trường còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chủ động trong hoạt động sản xuất và tìm kiếm thị trường. Nhiều doanh nhân từ các tỉnh khác đã đến Đắk Nông tìm hiểu thị trường và thành lập doanh nghiệp là tín hiệu tốt tạo điều kiện cho Đắk Nông sớm hòa nhập với thị trường các tỉnh bạn. Doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội được hợp tác làm ăn với những đối tác lớn từ tỉnh khác, được tiếp cận thông tin thị trường, nguồn vốn do các doanh nhân từ tỉnh khác đến đầu tư mang lại. Một số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản đã phát huy được thế mạnh của địa phương đưa sản phẩm của doanh nghiệp mình có chỗ đứng trên thị trường.
2. Khó khăn.
2.1. Về nguốn vốn
Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn sản xuất kinh doanh nên hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.
Phần lớn vốn của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo ra từ vốn riêng của chủ Doanh nghiệp, cổ đông, vốn góp của bạn bè, người thân, họ hàng. Doanh nghiệp muốn mở rộng phát triển kinh doanh thì phải có vốn, nhưng việc vay vốn từ các Ngân hàng thương mại của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất khó khăn và nếu vay được thì phải có tài sản thế chấp, nhiều Doanh nghiệp không có tài sản thế chấp dẫn đến khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh.
Do cơ chế tài chính chưa chặt chẽ nên xảy ra hiện tượng chuyển giá ra nước ngoài trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu thô trong nước với giá trị thấp và chuyển nguyên liệu ra nước ngoài để sản xuất sản phẩm tinh chế bán với giá trị cao nhằm trốn thuế.
Tình hình tài chính của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung gặp nhiều khó khăn, không đủ vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ vay vốn từ các tổ chức tín dụng còn thấp. Nhìn chung, các doanh nghiệp hoạt động chưa năng động, trình độ quản lý của cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp còn hạn chế vì vậy doanh thu hàng năm có tăng lên (do giá các mặt hàng tăng), nhưng lợi nhuận tăng không đáng kể.
2.2. Về đất đai
Mặc dù là tỉnh có nhiều lợi thế về đất đai, tuy nhiên muốn tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp đầu tư nhưng tỉnh lại gặp không ít khó khăn do thiếu vốn đầu tư, trong khi đó giá cả đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của nhà nước ngày càng cao.
Thế mạnh của tỉnh là tài nguyên rừng và diện tích đất lâm nghiệp nhưng đang đứng trước nguy cơ ngày càng suy giảm do tình trạng dân di cư tự do đến xâm lấn; nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ngày càng diễn ra nghiêm trọng, việc ngăn chặn đạt hiệu quả thấp.
2.3. Về chất lượng nguồn nhân lực
Là một tỉnh mới cho nên nguồn lao động có trình độ quản lý còn hạn chế, số lao động có trình độ tay nghề cao còn hạn chế, thiếu lao động lành nghề, có nhiều dân tộc cùng sinh sống nhưng trình độ dân trí thấp. Vì vậy doanh nghiệp khó phát triển được những ngành nghề đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật.
 Mặt khác trình độ quản lý của cán bộ quản lý các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, ít kinh nghiệm kinh doanh. Các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh được kế thừa tài sản, kinh nghiệm của các doanh nghiệp trước khi chuyển đổi nhưng do sự yếu kém của bộ máy quản lý doanh nghiệp nên chưa phát huy được những lợi thế sẵn có của mình, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đứng trước bờ vực phá sản.
Đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp còn rất thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng kinh nghiệm quản lý, đa số các chủ doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, quản lý, kinh tế - xã hội, văn hóa, luật pháp… và kỹ năng quản trị kinh doanh. Điều đó được thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt công tác quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp…
2.4. Máy móc, thiết bị và công nghệ lạc hậu
Theo thống kê, hiện nay, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sử dụng máy móc, thiết bị còn lạc hậu; 76% máy móc, dây chuyền công nghệ được sản xuất từ những năm 1950 – 1960, 73% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% số thiết bị cũ được tân trang…  Máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ có 10% hiện đại, 40% trung bình và 50% là lạc hậu và rất lạc hậu; tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chi phí khoảng 0,2% – 0,3% tổng doanh thu.
2.5. Thiếu nguyên vật liệu và yếu kém về thương hiệu
Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không có đủ nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất hoặc nguồn cung nguyên liệu không ổn định, chủ yếu theo mùa; một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, mua bán đồ gỗ, do thị trường gỗ trên địa bàn tỉnh không ổn định, phải mua gỗ thông qua cơ chế đấu thầu nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, doanh nghiệp đã chuyển sản xuất sang các tỉnh khác. Còn một số doanh nghiệp chuyên sản xuất chế biến các mặt hàng nông sản, thì gặp khó khăn trong việc cung ứng nguyên liệu, lúc thừa, lúc thiếu do phụ thuộc vào mùa vụ sản xuất của nông dân và kho chứa hàng dự trữ của doanh nghiệp còn hạn chế….
Mặt dù, trong những năm qua, đã có vài doanh nghiệp quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu cho mình như Hợp tác xã Dịch Vụ Nông nghiệp Minh An đã xây dựng được thương hiệu cà phê bột “Coffe Đức Lập - Đắk Mil”, Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Tất Thắng với thương hiệu “Tất Thắng”,…Đó là kết quả tích cực rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Nông chưa xây dựng được thương hiệu cho mình, chưa khẳng định được uy tín chất lượng và năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực.
III. Một số giải pháp tháo khó khăn cho doanh nghiệp.
1. Nhóm giải pháp cấp bách:
-  Đề nghị UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đổi mới thể chế cho vay của các NHTM. UBND tỉnh đề nghị để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các NHTM được chủ động và linh hoạt hơn trong việc cung ứng vốn, từ đó tùy theo từng khách hàng, từng trường hợp mà ngân hàng có thể tăng hay giảm các điều kiện cho vay như tài sản thế chấp, lãi ưu đãi, tỷ lệ vốn tự có của doanh nghiệp tham gia đối ứng trong phương án vay. Như vậy, Doanh nghiệp sẽ có khả năng huy động được nguồn vốn vay theo nhu cầu sản xuất kinh doanh của mình.
Để giúp cho các NHTM có thêm điều kiện cung ứng vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần có chính sách ưu đãi về lãi suất tái cấp vốn dành cho các NHTM phục vụ tốt cho doanh nghiệp.
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Đơn giản hoá các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng có giá trị gia tăng cao.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh, sở Thông tin truyền thông công bố công khai các quy hoạch đã xây dựng và ban hành trên địa bàn tỉnh. Công bố có thể thực hiện tại cơ quan có liên quan và đồng thời trên Cổng thông tin điện tử (Website) của tỉnh.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở Tư pháp, Đài Phát thanh truyền hình và Báo Đăk Nông tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là các luật, quy định liên quan đến phát triển, hoạt động của doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Lao động, Luật Thương mại…UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương bình và Xã hội, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và Hiệp hội doanh nghiệp Tỉnh  rà soát, tập hợp và công bố công khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động cho các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp biết.
2. Nhóm giải pháp cơ bản lâu dài:
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh, sở Thông tin truyền thông công bố công khai các quy hoạch đã xây dựng và ban hành trên địa bàn tỉnh. Công bố có thể thực hiện tại cơ quan có liên quan và đồng thời trên Cổng thông tin điện tử (Website) của tỉnh.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động Thương bình và Xã hội, Sở Giáo dục Đào tạo tập trung nâng cấp các cơ sở dạy nghề công lập theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành nghề liên quan đến các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Khuyến khích các nhà đầu tư thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, khuyến khích các doanh nghiệp cùng phối, kết hợp với các cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo lao động.
- Ngoài trợ giúp của Trung ương, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính có kế hoạch và bố trí kinh phí hỗ trợ cho các DNVVN thực hiện đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và dịch vụ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương cần sớm xây dựng một trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm và thương hiệu của các DN Đắk Nông. Đây cũng chính là một hình thức tập trung quảng bá sản phẩm XK của Đắk Nông đến thương nhân và du khách quốc tế đến Đắk Nông; đồng thời, giúp người tiêu dùng Đắk Nông và trong nước biết đến sản phẩm của tỉnh, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng các quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
Trên đây là những giải pháp chung, cơ bản tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của tỉnh Đắk Nông; tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn trước mắt trong tình hình hiện nay theo Nghị quyết số 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông sẽ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, giao cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa và và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện.
Trên đây là báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp năm 2012 và kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp để giúp Doanh nghiệp phần nào giải quyết được khó khăn vướng mắc mà Doanh nghiệp đang gặp phải nhằm giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh./.

Nguồn tin: daknongdpi.gov.vn

 Tags: doanh nghiệp
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay2,377
  • Tháng hiện tại13,642
  • Tổng lượt truy cập40,976,515
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây