Cần hiểu đúng về chế độ nghỉ hưu

Thứ tư - 10/05/2017 02:55 2.544 0
Từ ngày 1/1/2018, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu có thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018. Nhiều người lao động lo ngại về hưu sau thời điểm này sẽ bị thiệt thòi, nên đang tìm cách để có thể nghỉ hưu sớm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, TS. Bùi Sỹ Lợi đã có cuộc trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông có thể cho biết những thay đổi về lương của người lao động khi về hưu kể từ ngày 1/1/2018?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 quy định: Từ ngày 1/1/2018 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động, vì tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn.
Trường hợp nếu nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi theo quy định thì phải giảm trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2% thay vì 1%). Lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố như: Tỷ lệ hưởng; tiền lương đóng BHXH bình quân; thời điểm hưởng; thời gian hưởng.
Cho nên, nếu theo Luật, có vấn đề giảm sút nhưng nếu thực hiện tốt và đồng bộ chính sách về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thì vấn đề này sẽ được khắc phục. Và không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn so với người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
Vậy cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương của người lao động khi về hưu sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
Từ 1/1/2018, tất cả những người về hưu nếu đủ điều kiện nam 60 tuổi có 30 năm đóng BHXH và nữ 55 tuổi tương đương 25 năm đóng BHXH thì tiền lương hưởng BHXH của cả nam và nữ đều giảm sút do nam phải đạt 31 năm công tác thì mới được hưởng 75% lương, còn nữ thì trước 2018 sau 15 năm được hưởng 45% lương, sau đó cứ mỗi năm tham gia BHXH được cộng thêm 3% nhưng bắt đầu từ 2018 chỉ còn 2%.
Phần bù lại là do mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tăng lên liên tục trong nhiều năm qua; khu vực nhà nước sau 22 năm (từ năm 1995 - 2017) đã điều chỉnh lương tối thiểu chung 15 lần, tăng 10,83 lần; khu vực ngoài nhà nước năm từ năm 2008 - 2017, đã điều chỉnh  tiền lương tối thiểu theo 4 vùng 10 lần, là cơ sở để giảm “sốc” mức lương hưu do giảm trừ tỷ lệ từ năm 2018.
Điều này sẽ tiếp tục được điều chỉnh từng bước theo lộ trình. Đến năm  2025, người lao động bắt đầu tham gia BHXH, thì đến năm 2045, người lao động cả ở khu vực công và khu vực tư, đủ tuổi nghỉ hưu, tiền lương hưu sẽ tính bình quân cả quá trình. Như vậy, thể hiện sự công bằng, minh bạch và chính sách BHXH luôn luôn đi theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Ông có thể cho biết vì sao có sự thay đổi này?

Bởi vì chúng ta đang hướng đến một nguyên tắc là “có đóng - có hưởng”, “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít”; công thức tính lương hưu phải bảo đảm nguyên tắc này. Chính sách BHXH trước đây là mức hưởng cao hơn mức đóng.

Năm 2006, Quốc hội ban hành Luật BHXH và bắt đầu thực hiện quan điểm đổi mới cải cách hệ thống chính sách BHXH. Trước đây, tiền lương hưu được xác định theo công thức đủ 15 năm đóng BHXH tương ứng với mức hưởng 45%. Tuy nhiên, thực chất của 15 năm đóng này chỉ tương đương với 38%; có nghĩa là Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho người lao động 7%.

Quan điểm của ông về thực trạng nhiều người lao động chạy hồ sơ để đủ điều kiện hưởng lương hưu trước thời điểm 1/1/2018 như thế nào?

Suy nghĩ của người lao động xét về mặt công thức tính như thế có phần đúng, bởi vì thực tế có giảm sút. Nhưng tôi khẳng định không giảm sút ở tất cả các đối tượng. Riêng khu vực công chức, lực lượng vũ trang không giảm sút. Khu vực tư nhân có giảm sút nhưng không đáng kể.

Bởi chúng ta đang tính lương hưu là cả bình quân của quá trình đóng BHXH, nên nếu người lao động về hưu sớm để hưởng lợi, tôi cho rằng không đúng. Nếu “anh” về mà đủ số năm công tác và đủ thời gian đóng BHXH thì có giảm sút một chút. Nhưng nếu “anh” đi giám định y khoa để về sớm hay “anh” về sớm để trừ số năm thì lại hoàn toàn là thiệt.

Bởi vì khi người lao động về sớm khi chưa đủ số năm nghỉ hưu sẽ bị trừ 2%, thay vì trước đây bị trừ 1%. Trừ trường hợp người lao động kết thúc năm 2017 đủ thời gian công tác và đủ số năm đóng BHXH về hưu là tốt.

Vậy, trước thực trạng nhiều lao động đang muốn giám định y khoa để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018 nhằm “né” những quy định mới, theo ông đâu là giải pháp?

Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan BHXH. Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật BHXH cho người dân; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý BHXH.

Việc người lao động bằng mọi giá “chạy” hồ sơ để được hưởng lợi, nhất là với các trường hợp nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động, Khoản 2, Điều 117 Luật BHXH đã quy định rất cụ thể việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Hội đồng Giám định y khoa chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả giám định theo quy định của pháp luật..

Xin cảm ơn ông!

Theo daibieunhandan.vn

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,087
  • Tháng hiện tại67,404
  • Tổng lượt truy cập41,248,005
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây