Đẩy mạnh quy trình sản xuất nông nghiệp tốt vào lĩnh vực trồng trọt

Thứ ba - 28/06/2016 02:36 1.634 0
Thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai và đạt được những kết quả nhất định.

Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) là cách thức sản xuất mới hướng tới chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam.

Nhiều nhà vườn trồng rau ở thị xã Gia Nghĩa phát triển theo hướng VietGap

Trong lĩnh vực trồng trọt, từ năm 2012 đến cuối năm 2015, Sở Nông nghiệp – PTNT đã hỗ trợ kinh phí cho 11 cơ sở sản xuất thực hiện các mô hình VietGap, QCVN, GloballGap, 4C, UTZ trên các loại cây trồng cà phê, hồ tiêu, lúa, sầu riêng, măng cụt, quýt, chanh dây, cây dược liệu…

Từ sự vào cuộc của các cấp, ngành chuyên môn và những nỗ lực hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp an toàn của nông dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, nhiều nông hộ, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được chứng nhận là cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Cụ thể, ngay trong năm 2012, lần đầu tiên một cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3, trực thuộc Bộ Nông nghiệp – PTNT chứng nhận sản phẩm cà chua và rau cải của Hợp tác xã Tia Sáng ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) được áp dụng theo quy trình VietGap.

Đến năm 2015, toàn tỉnh tiếp tục có thêm 7 mô hình được chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là mô hình sầu riêng của Trang trại Gia Trung ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); mô hình quýt, sầu riêng, của Trang trại Lộc Hồng ở xã Quảng Khê (Đắk Glong); mô hình măng cụt Trang trại Gia Ân ở xã Đắk Nia; mô hình cam, quýt của Trang trại Ngọc Vân ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa); mô hình cây dược liệu của Công ty TNHH Bình Quốc An Khang, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp); mô hình sản xuất rau xanh của Trang trại Thiên Nhiên, xã Quảng Khê (Đắk Glong); mô hình cánh đồng mẫu của Tổ hợp tác sản xuất lúa ở xã Buôn Choáh (Krông Nô).

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian gần 4 năm, từ sự vào cuộc tích cực của các ngành chuyên môn, các doanh nghiệp và nông dân, trên địa bàn tỉnh đã có 8 mô hình được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap, với tổng diện tích gần 116 ha. Trong đó, diện tích rau được chứng nhận VietGap là 4 ha, dược liệu là 4,4 ha, cây ăn quả (sầu riêng, cam, quýt, bưởi, măng cụt) là 67 ha, lúa là 40,5 ha. Diện tích cà phê được hỗ trợ chứng nhận theo quy trình 4C, UTZ là 29.071 ha.

Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, hiện nhu cầu về chứng nhận mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGap trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, đặc biệt tại các cơ sở, đơn vị có quy mô sản xuất hàng hóa lớn nhằm đưa sản phẩm có chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm ra tỉnh ngoài để cạnh tranh và tiêu thụ. Do đó, trong thời gian gần đây, việc thực hiện đẩy mạnh một số chính sách hỗ trợ quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong lĩnh vực trồng trọt đã từng bước thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào mở rộng sản xuất theo quy mô hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm ngày một nhiều hơn. Qua đó, các loại sản phẩm như rau, quả các loại… của tỉnh đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hồ Gấm, hiện đa số các cơ sở trồng trọt đều phát triển tự phát, diện tích manh mún, chưa theo quy hoạch của tỉnh, nên việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhãn mác sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và sản phẩm sản xuất thông thường chưa được thiết kế, đóng gói để có sự phân biệt rõ ràng, giá cả lại phụ thuộc vào ý thức của người tiêu dùng, trong khi đó, giá thành sản xuất theo VietGap cao hơn sản xuất thông thường.

Ngoài ra, việc tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm VietGap, nguồn kinh phí để thực hiện tuyên truyền, tập huấn, nhân rộng mô hình nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế… Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các chính sách về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ huy động các cấp, ngành, các đơn vị liên quan hỗ trợ về tài chính, thực hiện nhân rộng mô hình theo quy trình VietGap cũng như tổ chức tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp theo chuẩn VietGap để tham gia thị trường quốc tế và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: nông nghiệp
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay985
  • Tháng hiện tại48,483
  • Tổng lượt truy cập41,229,084
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây