Lan tỏa những tấm lòng
Lê Văn Phê - chủ tàu cá BĐ 96030TS, 420 CV (ở Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) - nổi bật ở hàng ghế đầu với chiếc áo đỏ rực màu cờ tổ quốc. Anh là một trong những ngư phủ gắn bó nhiều năm với ngư trường Hoàng Sa.
“Mỗi năm, tàu tôi lăn lộn ngoài đó đến 9, 10 tháng. Chuyện tàu Trung Quốc chèn ép, dọa dẫm rượt đuổi diễn ra như cơm bữa. Lúc đầu cũng ngán ngại, nhưng riết rồi quen. Hễ họ áp sát, xúc ủi, thì mình lảng ra; họ đi, lại trở về đánh bắt. Biển cha ông truyền đời cho con cháu, không sống chết với nó thì đi đâu?”.
Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thọ - tàu BĐ 95695TS - là trường hợp "gan góc" khác. Mùa mưa bão 2013, ghé vùng đảo Bạch Yến tránh trú, nhóm ngư dân của Thọ bị phía Trung Quốc cưỡng bức ký giấy công nhận chủ quyền. Anh Thọ dứt khoát từ chối. Khi quay mũi chạy về hướng nam, đạn từ tàu Trung Quốc vãi theo như mưa. Lần ra khơi kế tiếp, BĐ 95695TS vẫn lại trực chỉ Hoàng Sa.
Với tinh thần “chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”, những đồng tiền có được từ sự ủng hộ của 18.000 cán bộ nhân viên toàn hệ thống còn hóa thân thành 6 cột cờ trên đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Xanh (Bình Định), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu); thành tàu sắt cho đội xung kích ra khơi đánh bắt hải sản; thành học bổng, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh...
Chưa hết, đó còn là những “mồi lửa” khơi gợi, nhen nhóm nhiệt tình cho cả cộng đồng. Trong ngày 28.5, sát cánh bên BIDV, có gần 10 doanh nghiệp đóng góp gần 3 tỉ đồng cho Quỹ Hỗ trợ ngư dân Bình Định. Chủ tịch HĐQT BIDV hứa hẹn: “Đây không là câu chuyện một ngày, một năm mà là cuộc vận động lâu dài, liên tục. Chúng tôi có 5 triệu khách hàng nên sẽ không đơn độc. Bằng cách này, BIDV kêu gọi hướng tới mục tiêu lớn hơn: Đóng mới 1.000 tàu vỏ sắt công suất lớn đến năm 2017”.
Gói 3.000 tỉ đồng: Ưu đãi tối đa
Cả nước hiện có gần 118.000 tàu cá các loại, trong đó đến 99% là tàu vỏ gỗ nhỏ, công cụ đánh bắt thô sơ. Hàng triệu ngư dân Việt Nam mỗi ngày ra khơi, ngoài hạn chế về năng lực sản xuất còn đối mặt vô vàn hiểm họa rập rình. Vụ tàu cá Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm; vụ ngư dân Quảng Ngãi liên tục bị tấn công ngay trên vùng biển tổ quốc chỉ là mấy dẫn chứng mới.
Theo ông Trần Bắc Hà, gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỉ đồng hướng vào “mục tiêu kép”: Vừa giúp ổn định sinh kế cho ngư dân 9 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa tăng cường khả năng ứng phó tình huống bất trắc trên biển, thiết thực hỗ trợ người dân tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.
“Đầu tháng 6 tới, BIDV sẽ tổ chức một hội nghị rộng rãi có sự góp mặt của ngư dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để có cơ hội lắng nghe. Chủ trương chung là đóng tàu vỏ sắt nhưng kích cỡ, kiểu dáng ra sao, kinh phí bao nhiêu, phải bàn tính cho sát” - lãnh đạo BIDV thông báo cách thức, lộ trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà gợi ý: “Chi phí cho mỗi chiếc nên xê dịch trên dưới 5 tỉ đồng. Đây là khoản đầu tư đảm bảo khả năng thu hồi vốn, khả năng sinh lợi và phù hợp với số đông ngư dân”.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng:
Tôi đánh giá cao nỗ lực phối hợp giữa BIDV và tỉnh Bình Định cho lễ phát động tràn đầy cảm hứng yêu nước hôm nay. Trong thời điểm chủ quyền quốc gia, tính mạng ngư dân đang bị khiêu khích, đe dọa, mọi hoạt đồng hướng về biển đảo đều đáng được biểu dương. Ở Hoàng Sa, Trường Sa, con tàu là cột mốc chủ quyền của đất nước. Phải làm cho bà con thấy phía sau lưng họ là sức mạnh của cả quốc gia, dân tộc. Mỗi người hãy làm việc, cống hiến, góp công, góp của với niềm tin chắc chắn rằng biển đảo chúng ta sẽ được giữ vững, lãnh thổ chúng ta sẽ được trọn vẹn mà không thế lực nào có thể khuất phục được.
Đang có nhiều kênh kêu gọi ủng hộ ngư dân bám biển, vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Số tiền đóng góp gửi về các chương trình - trong đó có Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động - lên đến hàng trăm tỉ đồng. Theo tôi, cần cân nhắc để sử dụng nguồn lực này thực sự hiệu quả. Ở Quỹ Tấm lòng vàng, hiện chúng tôi ưu tiên giúp ngư dân bị Trung Quốc tấn công khôi phục tàu bè, đầu tư nâng cấp ngư lưới cụ, nâng cao năng lực đánh bắt hải sản. Lâu dài, nhất thiết phải tiếp cận đồng bộ, trợ giúp cả công nghệ, phương thức thu mua, kỹ thuật chế biến. Đầu tư phát triển cả cho dịch vụ hậu cần nghề cá, cho những cơ sở chế biến trên biển. Nghề cá mạnh, ngư dân mạnh, đất nước sẽ mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc:
Ngư dân Bình Định thấm thía tình cảm sâu đậm của đồng bào cả nước, của các nhà tài trợ. Quỹ Hỗ trợ ngư dân rồi sẽ lớn mạnh hơn. Chúng tôi cam kết sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực góp phần chia sẻ khó khăn, mất mát của bà con ngư dân. Tôi đề nghị BIDV và các ngân hàng khác có chính sách cho vay thích hợp để nhiều ngư dân có cơ hội đóng mới tàu thuyền, yên tâm sản xuất.
NHÀ NƯỚC CẦN KỊP THỜI BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯ DÂN Lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng dặn: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình". Đây là lời dặn hết sức sâu sắc cho những thế hệ con cháu mai sau trong quá trình giữ nước và chống giặc ngoại xâm. Có thể nói mỗi ngư dân là mỗi chiến sỉ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam thân yêu, do vậy Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Đây là việc làm hết sức thiết thực trong tình hình hiện nay. Trước tiên, Nhà nước tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, cho ngư dân vay đóng thuyền với quy mô công suất lớn, vỏ tàu bằng sắt để có thể ngăn cản các tàu "lạ", tàu của Trung Quốc muốn đâm vào tàu cá của ngư dân đang đánh bắt trong vùng biển là ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của nước ta như thời gian vừa qua, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho ngư dân, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản, tạo việc làm ổn định cho nhiều ngư dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, để đến khi lớn tuổi không thể đánh bắt hải sản nữa có thể nhận chế độ hưu trí yên tâm đảm bảo cuộc sống. Ngư dân là một lực lượng lao động rất lớn trên biển, nếu ở trong độ tuổi theo Luật Dân quân tự vệ thì hằng năm cơ quan quân sự địa phương có trách nhiệm huấn luyện cho đối tượng này. Nên thành lập lực lượng dân quân cơ động trên biển phối hợp với lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng để thực hiện những nhiệm vụ cần thiết trong công tác tuần tra vùng biển thềm lục địa thuộc hải phận của nước ta. Có như vậy, ngư dân mới được hưởng các chính sách của Nhà nước trong quá trình bảo vệ vùng biển của tổ quốc, nếu xảy ra bị xâm hại đến bản thân mình, gia đình thân nhân không bị thiệt thòi.