Theo trang Business Insider, thẳng thắn và trung thực vốn dĩ là hai đức tính tốt trong công việc. Tuy nhiên, khi đến các buổi phỏng vấn xin việc làm, quá trung thực với người phỏng vấn bằng cách nói sự thật về bản thân hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp có thể khiến ứng viên tuột mất cơ hội việc làm. Dưới đây là 8 câu nói nên tránh vì nó không giúp ích gì cho bạn trong buổi phỏng vấn xin việc.
1. “Tôi không viết công việc đó vào hồ sơ vì tôi chỉ làm ở đó trong hai tháng”
Sơ yếu lý lịch và hồ sơ xin việc của bạn không cần thiết phải là một danh sách toàn diện về tất cả mọi thứ bạn đã từng làm qua. Sơ yếu lý lịch là một tài liệu tiếp thị bản thân bạn, vì thế, hãy chọn những gì tốt nhất bạn có để điền vào đó. Nhắc đến chuyện bạn đã công tác tại một nơi nào đó trong hai tháng có thể khiến người phỏng vấn bạn tự hỏi điều gì đã khiến bạn bỏ việc. Liệu bạn bị sa thải? Hay bạn không có mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp?
Những ngoại lệ cho trường hợp này là những việc làm mùa hè, việc làm tạm thời, việc làm theo hợp đồng hoặc một số vị trí làm việc khác rõ ràng được thiết kế để tuyển dụng nhân viên thời vụ. Với những công việc như trên, bạn vẫn có thể ghi vào hồ sơ của mình.
2. “Tôi sẽ nộp đơn để học bậc sau đại học vào mùa thu”
Bạn không hề sai khi muốn học lên cao, song câu nói trên về cơ bản sẽ như một tuyên bố: “Tôi hi vọng sẽ rời bỏ công việc này trong một năm, hoặc ít hơn một năm”.
Nếu bạn chắc chắn có kế hoạch đi học ở ngôi trường gần đó, hoặc tham gia lớp học trực tuyến và không làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc, thì chuyện học không phải là vấn đề. Tuy vậy, những người tuyển mộ nhân sự cho một số công việc, đặc biệt là các vị trí phải chịu áp lực cao, khối lượng công việc nhiều, sẽ lo lắng rằng bạn không thể cân bằng được giữa công việc và học tập. Vì thế, hãy cẩn thận với câu nói này.
3. “Công việc cuối cùng của tôi là một cơn ác mộng”
Phòng nhân sự hiểu rằng ngoài kia có những ông chủ và công việc rất tệ, thậm chí, vài người trong số họ còn có thể từng trải qua những trường hợp không hay như trên. Song nếu một ứng viên xin việc bắt đầu phàn nàn về công việc hoặc người quản lý trước, người phỏng vấn sẽ không có cách nào kiểm chứng toàn bộ câu chuyện từ hai phía. Điều duy nhất họ biết khi bạn nói câu trên là bạn không phải là người thực sự kín kẽ, và đây không phải là một điểm có lợi cho bạn.
4. “Tôi không có người giới thiệu”
Không có người giới thiệu là một bất lợi. Nếu bạn không thể tìm được bất cứ ai nói về công việc trước đây của bạn, dù là quản lý cũ, đồng nghiệp, khách hàng hay đồng sự từ công việc thiện nguyện, hầu hết nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn có những vấn đề nghiêm trọng trong các công việc cũ.
5. “Tôi xem đây là bước chân đầu tiên vào cánh cửa, và tôi hi vọng sẽ thăng tiến nhanh chóng”
Dù bạn nghĩ câu nói này có thể thể hiện tham vọng của bạn trong công việc, hầu hết các nhà quản lý sẽ nghĩ rằng bạn sẽ không dành đủ thời gian cho vị trí hiện tại mà họ đang dự tính tuyển nhân sự. Các nhà quản lý tìm kiếm sự ổn định khi tuyển nhân sự, và họ thường muốn nhân viên sẽ ở lại vị trí ít nhất là vài năm hoặc lâu hơn.
6. “Tôi sẽ đến khu lễ tân ngồi chờ xe đón”
Nếu có ai đó chở bạn đến buổi phỏng vấn xin việc, hãy giữ chuyện này cho riêng mình, vì bạn không muốn các nhà quản lý thêm lo ngại về chuyện bạn có là người đáng tin cậy cho vị trí họ đang tuyển dụng hay không.
7. “Điều mà tôi thực sự muốn làm một ngày nào đó là….”
Đừng chia sẻ ước mơ làm việc ở một nhà trẻ trong khi đang ứng tuyển cho vị trí kế toán, hoặc khởi nghiệp trong tương lai khi bạn đang phỏng vấn để làm lập trình viên, cho dù trong lòng bạn rất muốn được chia sẻ những điều đó. Người phỏng vấn muốn thuê các ứng viên thích thú với công việc họ sắp có, và nhà quản lý muốn nghe rằng vị trí còn trống phù hợp với mục tiêu của bạn. Nếu bạn thẳng thắn về những ước mơ thật sự của mình, họ có thể băn khoăn về việc bạn có thể hoàn toàn hài lòng với công việc trong tương lai hay không nếu họ thuê bạn.
8. “Tôi đang đi phỏng vấn xin việc ở ba lĩnh vực khác nhau”
Để bản thân có nhiều lựa chọn là chuyện tốt, nhưng một lần nữa, nhà tuyển dụng muốn nghe rằng bạn tự tin về công việc sắp làm trước khi đồng ý nhận bạn. Nếu vẫn còn chưa chắc chắn mình muốn làm trong lĩnh vực nào, bạn nên cân nhắc thật kỹ rồi lựa chọn trước khi đến với các buổi phỏng vấn.
Thu Thảo