Đóng BHXH trên mức lương nào?
Theo ông Sang, thông thường, từ khi các bộ luật được thông qua đến khi có hiệu lực chỉ khoảng 6 tháng nhưng riêng Luật BHXH 2014 đã “chờ” hơn 1 năm mà vẫn chưa có thông tư hướng dẫn là quá chậm. Điều này gây khó cho cơ quan BHXH trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, theo ông Sang, rất nhiều doanh nghiệp (DN) thắc mắc mức lương đóng BHXH theo quy định mới. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2016, mức lương đóng BHXH sẽ căn cứ theo mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động nhưng những phụ cấp nào được coi là phụ cấp lương để tính đóng BHXH vẫn chưa được hướng dẫn.
Tại buổi đối thoại “Chính sách BHXH với người lao động (NLĐ)” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng BHXH Việt Nam tổ chức cuối tuần qua ở TP HCM, đại diện một DN nêu vướng mắc: “Công ty chúng tôi trả lương công nhân theo sản phẩm. Do đó, mức lương luôn biến động. Vậy chúng tôi phải đóng BHXH như thế nào? Vì nếu căn cứ trên mức lương này để đóng thì khoản đóng BHXH thay đổi theo từng tháng sẽ gây khó cho DN”.
Ông Lê Đạt Chí, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Tiến Tâm (quận 6, TP HCM), cũng băn khoăn vì đối với vị trí nhân viên kinh doanh ở công ty ông, ngoài mức lương cơ bản, NLĐ còn được hưởng thêm khoản lương “mềm” không cố định là tỉ lệ phần trăm theo doanh số sản phẩm bán được. “Vậy khoản lương “mềm” này có phải nhập chung để đóng BHXH?” - ông thắc mắc.
Băn khoăn cách tính lương hưu mới
Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, khi NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu và có 25 năm đóng BHXH thì sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Tỉ lệ giảm trừ khi nghỉ hưu trước tuổi là 1%/ năm. Thế nhưng, theo Luật BHXH 2014, để đạt được mức tối đa 75%, lao động nữ phải đóng BHXH đủ 30 năm và 35 năm đối với nam, đồng thời mức giảm trừ khi nghỉ hưu trước tuổi tăng lên 2%/năm.
Trước quy định này, ông Võ Văn Thiện, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam, bày tỏ: “Xã hội ngày càng phát triển thì chế độ an sinh xã hội sẽ phát triển theo. Nhưng theo cách tính này, càng nghỉ hưu về sau mức lương hưu càng giảm, vậy liệu có công bằng với NLĐ?”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết theo quy định, từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng đối với lao động nam vào năm 2018 là 16 năm, 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; đối với lao động nữ, từ năm 2018 trở đi tính bình quân 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%.
“Với lộ trình này, rõ ràng có sự giảm sút tiền lương hưu, gây bất lợi cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ vì họ sẽ không bao giờ đạt mức tối đa 75% khi đủ 55 tuổi (tuổi nghỉ hưu). Do đó, để bảo đảm tiền lương hưu thực nhận không bị giảm sút nhiều so với trước, cần phải có lộ trình điều chỉnh mức đóng BHXH theo tiền lương thực nhận (thực hiện đóng BHXH theo điều 90 Bộ Luật Lao động). Đồng thời, khuyến khích một số nhóm ngành tăng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng BHXH” - ông đề xuất.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện các cán bộ nữ ở cơ sở khi 55 tuổi thường chỉ có 15 năm đóng BHXH và khó có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ 20 năm đóng BHXH. Do vậy, với cách tính mức hưởng là 45% cho 15 năm đóng BHXH thì mức lương đối tượng này được hưởng nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức lương cơ sở. Khi đó, gánh nặng sẽ đổ lên quỹ BHXH vì phải bù thu nhập cho đối tượng này.
Chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân tham gia BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của nhà nước là chính sách quan trọng, tốt đẹp và rất nhân văn của Luật BHXH sửa đổi. Tuy nhiên, mức hỗ trợ của Chính phủ đưa ra hiện nay là 35% trong tổng mức đóng 22% dựa trên mức thu nhập hằng tháng do NLĐ lựa chọn (mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo nông thôn, mức cao nhất bằng mức lương cơ sở) vẫn còn thấp, chưa khuyến khích được người dân tham gia. “Thời gian tới, Chính phủ cần xem xét nâng mức hỗ trợ này” - ông Lợi nói.
Lúng túng BHYT hộ gia đình
Theo ông Cao Văn Sang, BHXH TP HCM đang rất lúng túng trong việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Bởi lẽ, ngày 20-12-2015 là hạn chót để người dân gia hạn thẻ BHYT nhưng hiện BHXH TP không biết nên tiếp tục thực hiện theo chính sách năm 2015 - gia hạn thẻ cho người dân - hay ngừng thực hiện.
Theo đó, căn cứ Luật BHYT sửa đổi, từ ngày 1-1-2015, khi tham gia BHYT tự nguyện, người dân bắt buộc phải mua theo hộ gia đình. Song, khi triển khai do gặp nhiều vướng mắc vì chưa phù hợp thực tiễn nên Chính phủ đã tạm thời điều chỉnh theo hướng trong năm 2015 vẫn tiếp tục bán BHYT cho những người từng tham gia trước đây (không cần mua theo hộ gia đình).
“Nay đã sắp bước sang năm 2016 mà chúng tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn của các bộ, ngành về cách thực hiện. Nếu tiếp tục duy trì cách làm như năm 2015 mà sau đó chính sách thay đổi thì chúng tôi không có kinh phí để bù, còn nếu không tiếp tục thực hiện thì sẽ bị người dân phản ứng. Các bộ, ngành liên quan cần sớm có văn bản hướng dẫn để cơ quan BHXH có cơ sở thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia BHYT” - ông Sang đề nghị.
Nguồn tin: NLĐ Online