Theo giới phân tích, phản ứng của TQ không có gì đáng ngạc nhiên, bởi TQ luôn đòi hỏi phải thảo luận song phương nhằm dùng sức mạnh áp đảo các nước nhỏ yếu hơn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi hôm 19.2 tuyên bố, TQ đã trả lại cho phía Philippines công hàm thông báo. Theo ông Hồng Lỗi, TQ “có lịch sử và cơ sở pháp lý đầy đủ chứng tỏ chủ quyền” của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Macclesfield, bãi cạn Scarborough (mà TQ gọi chung là Nam Sa) và vùng biển xung quanh thuộc về TQ. Cho rằng công hàm và thông báo về việc Philippines kiện TQ ra trước tòa án quốc tế là “sai lầm nghiêm trọng về sự thực và pháp lý”, ông Hồng Lỗi tuyên bố, TQ kiên quyết phản đối việc này và yêu cầu Philippines giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, Philippines đưa ra giải pháp kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của TQ ra Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS), với giải thích rằng Chính phủ Philippines đã cạn kiệt các khả năng chính trị, ngoại giao để giải quyết tranh chấp với TQ. Sáng kiến của Philippines ngay lập tức nhận được sự tán đồng của dư luận, đặc biệt là các nước láng giềng đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trước yêu sách phi lý đòi chủ quyền của phía TQ.
Không chỉ dư luận các nước khu vực, cuối tuần trước (15.2) người đứng đầu phái đoàn của Liên minh Châu Âu (EU) đang ở thăm Manila cũng nói EU “ủng hộ” lập trường của quốc gia Đông Nam Á này - đưa các tranh chấp biển đảo ra tòa án quốc tế. “EU đứng về phía Philippines, dù xưa nay EU được cho là “không thiên vị” bất cứ phía nào trong cuộc tranh chấp biển đảo liên quan Philippines, TQ, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan ở khu vực biển Đông - hãng tin của Philippines cho biết. - Các nghị viên Quốc hội EU nói họ tin hành động pháp lý của Philippines là một “động thái tốt” nhằm đảm bảo giải pháp hòa bình cho các xung đột”.
Nhân dịp này, báo chí của Philippines cũng đăng tải ý kiến của tân Ngoại trưởng Mỹ - ông John Kerry - ủng hộ Philippines đưa các tranh cãi với TQ về các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn ở biển Hoa Nam ra tòa án Liên Hợp Quốc. Trong đó, ông John Kerry nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các xung đột nóng lâu dài một cách hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Dư luận quá rõ, xưa nay trong vấn đề tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng, các nước ASEAN có tranh chấp với TQ ở biển Đông đã nhiều lần đề nghị TQ ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN nhằm giải quyết thỏa đáng vấn đề, song TQ một mực từ chối. TQ rất sợ đưa vấn đề ra quốc tế hay các cuộc đàm phán đa phương. TQ nhất mực đòi chỉ thảo luận riêng rẽ với từng nước có tranh chấp, nhằm có cơ hội dùng sức mạnh áp đảo các nước nhỏ yếu hơn.
Nguồn tin: Lao động