Theo đó, sau khi khảo sát thực tế tình hình sản xuất, xử lý chất thải tại một số nhà máy, đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghiệp để nắm thêm một số nội dung như: tỷ lệ lấp đầy dự án; tình hình thu và sử dụng phí hạ tầng; tiến độ xây dựng khu xử lý chất thải và tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng khắc phục của các nhà máy tại khu công nghiệp…
Kết quả khảo sát cho thấy, lũy kế đến tháng 4/2013, giá trị khối lượng xây dựng thực tế các công trình kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đạt khoảng 205 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch đầu tư được phê duyệt. Đến nay, khu công nghiệp đã thu hút được 31 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2350,3 tỷ đồng; trong đó có 26 dự án đang hoạt động, 3 dự án đang xây dựng cơ bản và 2 dự án đăng ký đầu tư.
Từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách Nhà nước trên 14 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng, nhưng vẫn còn nợ trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, khu công nghiệp cũng đã hoàn thành trung tâm xử lý chất thải để xử lý chất thải cho các nhà máy trước khi thải ra môi trường. Đa phần các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp đều chấp hành khá nghiêm túc quy trình xử lý chất thải, bảo đảm môi trường.
Tuy nhiên, một số nhà máy như nhà máy sản xuất cồn, nhà máy sản xuất phân vi sinh và nhà máy đường vẫn chưa thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân địa phương.
Ban quản lý Khu công nghiệp Tâm thắng cũng đã kiến nghị với đoàn một số vấn đề vướng mắc trong cơ chế phân bổ kinh phí tái đầu tư hạ tầng; chính sách phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến của các nhà máy.
Sau khi làm việc tại khu công nghiệp, Ban Kinh tế-Ngân sách cũng đã đi thu thập ý kiến của một số hộ dân địa phương về tình trạng môi trường để có kiến nghị, đề xuất với các quan chức năng vào cuộc giải quyết.
Tin ảnh:Đ.D