Trước đây, gia đình ông Trần Văn Định, tổ dân phố 5, thị trấn EaT’ling, huyện Cư Jút chọn hướng phát triển kinh tế bằng nghề chăn nuôi gà, vịt với quy mô lên đến 20.000 con. Mỗi năm nếu việc chăn nuôi thuận lợi thì gia đình ông thu được 200 – 300 triệu đồng, nhưng nếu thất bại thì có thể lỗ đến 700 – 800 triệu đồng. Nhận thấy việc chăn nuôi quá rủi ro, năm 2012 nhân chuyến thăm quan tại tỉnh Lâm Đồng, ông Định thăm mô hình trồng mướp cao sản và thấy hiệu quả kinh tế của cây mướp đem lại khá cao. Ban đầu ông mua giống về trồng thử nghiệm và nhận thấy cây mướp phát triển tốt, sau 3 tháng đã cho thu hoạch và năng suất cao. Từ đó, ông quyết tâm đầu tư trồng loại cây này và đến nay đã mở rộng lên đến 2 ha. Ông Định cho biết, trồng mướp cao sản chăm sóc khá đơn giản, chỉ cần xử lý đất, thuốc ngay sau xuống giống, khi dây mướp lớn sẽ ít sâu bệnh. Tuy nhiên, theo ông Định, trồng mướp phải tốn chi phí đầu tư ban đầu làm giàn cho mướp leo, ống tưới khoảng 250 triệu đồng/2 ha. Sau khi xuống giống được 45 ngày, mướp bắt đầu cho thu hoạch hàng ngày với năng suất khoảng 1 tấn/ ha và thời gian thu hoạch kéo dài trong vòng 5 tháng. Với giá mướp hiện nay khoảng 3.000 đồng/kg mỗi ngày gia đình ông Định thu nhập 6 triệu đồng. Một năm trồng 3 vụ sau khi trừ các khoản chi phí ông còn lãi gần 2 tỷ đồng.
Từ thành công mô hình trồng mướp của ông Định, nhiều nông dân ở huyện Cư Jút đã đến thăm quan, học hỏi làm theo. Như gia đình bà Đỗ Hoa Thêu, thôn 6, xã Cư K’Nia trồng 2 sào mướp cao sản mỗi ngày gia đình bà thu nhập bình quân 600.000 đồng.
Hiện nay, mô hình trồng mướp cao sản đang được nhân rộng ở 8 hộ gia đình tại các xã Nam Dong, Cư K’Nia, Đăk Wil và thị trấn Ea T’Ling với diện tích 10 ha. Mô hình trồng mướp cao sản không những cho thu nhập ổn định mà còn giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Theo kinh nghiệm của những người trồng mướp tại huyện Cư Jut việc trồng mướp cao sản không khó, khi nắm vững các quy trình kỹ thuật trong việc bón phân, xử lý bệnh thì năng suất đem lại khá cao. Cái khó nhất ở đây là tìm kiếm thị trường, hiện nay hầu hết những hộ trồng mướp cao sản trên địa bàn huyện Cư Jut đều là thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp Nam Hà, nên được Hợp tác xã tìm công ty bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, người dân trên địa bàn huyện Cư Jut muốn phát triển nghề này phải liên kết với Hợp tác xã Nam Hà để có đầu ra ổn định. Quỳnh Giang – Văn Vân |
Nguồn tin: Báo Đăk Nông